Thông tin tổng hợp

Riêng lẻ

Kết thúc sự mơ hồ chiến lược giữa Indonesia và Trung Quốc

“Một động thái thể hiện sự thay đổi chính sách quan trọng của Indonesia đã được các quan chức Jakarta thể hiện gần đây khi tuyên bố bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông chồng lấn với khu vực đảo Natuna, tỉnh Riau của Indonesia. Trong hơn hai thập kỷ qua, Indonesia đã định vị mình như một bên trung gian hòa giải trung lập trong các tranh chấp Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Jakarta cho rằng Indonesia và Trung Quốc không có yêu sách chồng lấn tại các đảo trên Biển Đông vì theo UNCLOS, chủ quyền đối với vùng nước xuất phát từ chủ quyền đối với đất liền và Jakarta đã yêu cầu Bắc Kinh phải bảo đảm quan điểm này nhưng rốt cuộc vẫn chưa được chấp nhận”.

          Giáo sư Ann Marie Murphy nói rằng tuyên bố của Indonesia, thực chất khẳng định mình là một bên tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, đã kết thúc sự mơ hồ chiến lược trong quan hệ hai nước, có khả năng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ song phương. Tranh chấp Biển Đông đã trở thành vấn đề chiến lược quan trọng giữa Trung Quốc và ASEAN từ những năm 1990, nhất là sau khi Trung Quốc chiếm đóng đảo Vành Khăn vào năm 1994, cách đảo Palawan 130 dặm, nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 dặm của Philippines. Bất chấp phản đối của Philippines, Trung Quốc đã xây dựng các công trình bê tông kiên cố trên các rạn san hô, bao gồm bến cảng, sân bay trực thăng và radar. Indonesia xem các tranh chấp lãnh thổ như một mối đe dọa lớn đến lợi ích của mình, ảnh hưởng đến sự ổn định khu vực Đông Nam. Trong những năm 1990, Indonesia bắt đầu tổ chức các cuộc hội thảo về Biển Đông để giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin giữa các bên tranh chấp. Sau đó, các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002, cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực. Quan trọng hơn, DOC kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không chiếm các hòn đảo không có người ở, các rạn san hô và bãi ngầm ở Biển Đông.

            Tuy nhiên, DOC thiếu cơ chế thực thi nên Indonesia đã đi đầu trong việc thúc giục các bên đàm phán tiến tới bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý hơn, trong đó có các biện pháp phòng tránh sự leo thang quân sự trên biển. Jakarta từ lâu cũng đã lo ngại âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, nhất là đối với chuỗi đảo Natuna – một trong những khu vực có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Sự lo ngại của Indonesia đã tăng lên cùng với việc Trung Quốc gia tăng sức mạng quân sự, ngày càng quyết đoán hơn để khẳng định lợi ích trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc không chỉ đe dọa đối với khu vực quần đảo Natuna, các vùng biển xung quanh mà còn sự thiêng liêng của UNCLOS. Indonesia là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới nhưng năng lực hải quân hạn chế để có thể bảo vệ các hòn đảo xa xôi kéo dài tới 3.000 dặm từ Đông sang Tây, do đó nước này l uôn ủng hộ mạnh mẽ UNCLOS.

            Quan niệm về lãnh thổ quốc gia của Indonesia không chỉ bao gồm 17.000 hòn đảo mà còn các vùng biển kết nối các chuỗi đảo. UNCLOS (có hiệu lực vào năm 1994) có nguyên tắc rằng quốc gia quần đảo có chủ quyền đối với vùng nước nội bộ   nên việc thực thi UNCLOS được xem như một lợi ích an ninh quan trọng của   Indonesia.

            Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã hành động mà theo Indonesia nhận thức là phá hoại UNCLOS, đe dọa đến sự ổn định khu vực. Trước tiên, khi Trung Quốc công bố bản đồ đường chín đoạn vào năm 2009, trong đó có phần đặc khu kinh tế tại khu vực Natuna, Indonesia phản đối tuyên bố của Trung Quốc đối với   UNCLOS vào năm 2010 và yêu cầu Trung Quốc làm rõ tuyên bố về bản đồ được vẽ   vào năm 1947 bằng cách cung cấp tọa độ chính xác các đường đứt khúc chín đoạn.

            Theo quan điểm của Indonesia, tuyên bố của Trung Quốc không rõ ràng về mặt pháp lý, không phù hợp với UNCLOS. Trung Quốc phản ứng thiếu tích cực trước yêu cầu của Indonesia đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Jakarta rằng nước này không đánh giá cao các hành động (phản đối) của Indonesia. Sau đó, Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong việc theo đuổi tuyên bố trên Biển Đông và có xu hướng sử dụng vũ lực để hiện thực hóa tham vọng của mình, đặc biệt nghiêm trọng hơn, theo quan điểm của Indonesia, Trung Quốc đã tăng cường tập trận hải quân, mở rộng sự hiện diện quân sự từ Bắc xuống phía Nam – khu vực Trung Quốc đã sử dụng vũ lực trong cuộc đối đầu với các tàu Indonesia. Chẳng hạn như hồi tháng 3/2013, Indonesia đã chặn bắt tàu cá Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp tại quần đảo Natuna, buộc ngư dân Trung Quốc rời tàu lên bờ làm thủ tục pháp lý nhưng ngay sau đó tàu vũ trang Trung Quốc xuất hiện, đối đầu với tàu Indonesia, yêu cầu thả các ngư dân Trung Quốc.

            Trước sức mạnh của tàu Trung Quốc, để đảm bảo an toàn cho binh lính, tàu   Indonesia phải đáp ứng các yêu cầu của tàu vũ trang Trung Quốc. Indonesia đã cố   giữ cho những sự cố như vậy không ảnh hưởng tới quan hệ hai nước với ưu tiên thực hiện chính sách ngoại giao yên tĩnh, giữ được vị trí bên trung gian hòa giải trên Biển Đông với hy vọng rằng Trung Quốc đánh giá cao vai trò lĩnh đạo khu vực của Jakarta, sẽ chấp nhận quan điểm Indonesia về quyền chủ quyền tại khu vực Natuna. Tuy nhiên, Trung Quốc thực thi một loạt hành động quyết đoán khiến Indonesia công khai phản đối, Trung Quốc đã áp đặt Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông và tuyên bố sẽ áp đặt một cơ chế tương tự trên Biển Đông khi thích hợp. Bắc Kinh cũng đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá xung quanh đảo Hải Nam chiếm gần 57% diện tích Biển Đông, cử tàu sân bay Liêu Ninh thực thi   nhiệm vụ tại Biển Đông.

           Indonesia tuyên bố công khai trở thành bên xung đột với Trung Quốc đi kèm kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân tại quần đảo Natuna là sự thay đổi quan trọng trong ván cờ Biển Đông. Indonesia chính thức phản đối tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông, sự mơ hồ chiến lược đã cho phép Indonesia định vị mình như một trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và ASEAN đã bị thất bại. Các diễn biến tiếp theo chính xác như thế nào sẽ không thể tiên đoán được, chỉ biết rằng căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Bình luận về bài viết này