Thông tin tổng hợp

Riêng lẻ

Hai bộ phim gây kinh ngạc của năm 2012

Đôi vợ chồng già trong căn hộ tươm tất ở Pháp. Cặp tân nương tân lang như “đôi đũa lệch” trong căn phòng nhỏ đêm tân hôn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bối cảnh ấy, qua tay những bậc cao thủ làm phim, không cần chi tiết rườm rà, kịch tính, không cần số kinh phí khổng lồ cũng đủ để tạo nên hai bộ phim vô cùng xuất sắc là Amour (Tình yêu) và Night of Silence (Đêm yên tĩnh).

Hai phim đã có mặt trong LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ hai và riêng Amour đang vừa lọt vào danh sách đề cử phim nước ngoài hay nhất của Oscar 2013, được tạp chí Time chọn là phim hay nhất năm 2012.

Amour

Tiếp nối The White Ribbon (Dài băng trắng) từng đoạt Cành cọ vàng, ba năm sau, Amour tiếp tục mang về cho vị đạo diễn nổi tiếng cực đoan Micheal Haneke vinh quang, cũng tại LHP Cannes. Chỉ có điều lần này, Amour được đánh giá đã vượt trên cái đỉnh trước đây mà Haneke đã đạt tới. Lý do đơn giản: Bộ phim mang đậm phong cách phim Pháp này đã đạt tới sự tối giản, hàm xúc, có thể tạo nên cảm xúc mạnh mẽ, chân thực với khán giả.

Vị đạo diễn cao tay, nhiều ngón nghề mang đến ngôn ngữ điện ảnh đậm đặc từ một kịch bản phim tưởng chừng hết sức đơn giản. Đó là câu chuyện về hai vợ chồng ở độ tuổi ngoài 80, Georges và Anne, từng là giáo viên dạy nhạc, cùng hưởng niềm hạnh phúc tuổi già trong một căn hộ ấm cúng ở Paris. Ở phút đầu phim, kịch tính được đẩy lên cao với toán cảnh sát ùa vào căn phòng dán đầy băng dính, phát hiện ra một xác chết… Ngay sau đó, nhịp phim chậm đều kéo dài, có thể làm nản lòng những ai vô tình bước vào rạp chiếu.

Ngoại cảnh duy nhất ở khúc đầu phim, khi máy quay đứng im, hướng vào đôi vợ chồng già ngồi bên nhau thưởng thức buổi hoà nhạc của học trò cũ. Rồi sau đó, đạo diễn kéo khán giả đến chứng kiến những gì diễn ra trong căn hộ bình thường như bao căn hộ khác. Sự lôi kéo này đầy thách thức, bởi khi không có những “bữa tiệc” thịnh soạn trên phim, thì bằng cách nào đây, đạo diễn có thể khởi dậy trong tâm trí những người chịu ngồi suốt 2 tiếng xem phim những cảm xúc lắng dịu, thấm thía và cả bàng hoàng về tình yêu trong hiện tại và quá khứ của hai người già?

Vậy mà nhịp sống chậm chạp với những buồn vui, vinh quang của hai nhân vật chính vẫn được hình dung khá đầy đủ, qua ánh mắt, nụ cười, từng cử chỉ, rất ít lời thoại và một vài sự tương tác với các nhân vật khác như cậu học trò cũ, cô con gái, người giao hàng… Khi khán giả đã hoàn toàn có thể “nhập tâm”, đạo diễn chính thức đánh động tâm trí khán giả với những suy tư, chiên nghiệm sâu xa hơn, kèm theo những biến cố giữa hai vợ chồng. Cụ bà lúc này đã không thể di chuyển bình thường, nói không rõ tiếng, phải nằm liệt một chỗ…

Trong khi đó, dù có thuê thêm người giúp đỡ vợ mình, cụ ông vẫn muốn tự tay chăm sóc bà nhiều hơn. Xen kẽ những cảnh sinh hoạt hết sức quen thuộc, có thể gặp ở nhiều ngôi nhà, trong cuộc sống của người già thuộc tầng lớp trung lưu, thỉnh thoảng đạo diễn đẩy vào một vài pha ít nhiều gây sốc hoặc tạo nên sự hoang mang.

Không tham lam kể một câu chuyện lắt léo, nhiều biến cố hay dồn nén những vấn đề vĩ mô, bộ phim hướng đến cuộc sống bình dị, sự chiêm nghiệm về tình yêu, tuổi tác. Nếu năm 2011, LHP Cannes trao giải cho The Tree of Life (Cây đời) với câu chuyện về đức tin và lẽ sinh tồn thì giải thưởng năm nay dành cho Amour như một sự chứng thực về “cách nhìn khác về tình yêu”, qua sự thể hiện nghệ thuật điện ảnh tuyệt vời của đạo diễn và tài năng diễn xuất bậc thầy của cặp diễn viên Jean-Louis Trintignant và Emmanuele Riva.

 

Trong số những bộ phim xuất sắc được trình chiếu tại LHP Quốc tế lần thứ hai vừa diễn ra còn có Night of Silence. Cũng từng chu du qua nhiều LHP quốc tế lớn, mang về nhiều vinh quang cho nền điện ảnh nhỏ bé Thổ Nhĩ Kỳ, bộ phim của đạo diễn Reis Celic mang tính “thách đố người xem” rất lớn. Nếu bối cảnh xuyên suốt của Amour còn diễn ra trong một căn nhà, với nhiều phòng, thì ở Night of Silence, tới 95% thời lượng phim chỉ trong một căn phòng nhỏ, với những những diễn biến tâm lý của cô dấu 14 tuổi và chú rể 60 tuổi trong đêm tân hôn.

Night of Silence 

Nếu Amour, ngoài hai khúc nhạc khi chơi đàn, phim không dùng nhạc nền; thì đến Night of Silence, tuyệt nhiên không có âm nhạc. Đêm ở một bộ lạc nhỏ thuộc một tỉnh xa xôi của Thổ Nhĩ Kỳ trong Night of Silence vì thế trở nên vô cùng tĩnh lặng. Tiếng nhai kẹo lộp cộp của cô gái ở tuổi lo chưa tới, tiếng rột roạt đi lại, xê dịch đồ đạc, thậm chí sự nhấp nhổm, bất an, lo lắng của cô dâu, tiếng thờ dài não nuột… của chú rể hiện rõ mồn một.

Sự im phắc, ngột ngạt, dồn ứ của không gian, sự loay hoay, bất an của hai người được sắp xếp cưới nhau để giải quyết mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ được đóng kín trong khuôn hình, trong bốn bức tường, thử thách cao độ sự kiên nhẫn của khán giả. Cho đến khi có một tiếng nổ cuối phim… Ám ảnh mạnh mẽ của khán giả từ đó cũng thực sự bùng nổ…

Chỉ có hai diễn viên loay hoay, độc thoại như trên bục sân khấu kịch; vậy mà vẫn đậm đặc ngôn ngữ điện ảnh, với cấu trúc phim, cách kể chuyện sáng tạo. Đoạn mở đầu và kết thúc phim chặt chẽ và ý nghĩa, vì thế hoà hợp với phần hội thoại triền miên trong căn phòng nhỏ. Night of Silence, vì thế, như một phát súng lớn thể hiện tài năng, mang tuyên ngôn nghệ thuật riêng của nhà làm phim độc lập Reis Celic.

Đó là tiếng nói mạnh mẽ, thôi thúc những con người còn u mê phải biết tự cởi trói cho mình khỏi những hủ tục, lề thói lạc hậu bó buộc truyền đời. Bộ phim về hai còn người nhỏ bé còn phát đi thông điệp về những xung khắc giữa các nền văn hoá mà sự hoà giải nhiều khi phải trả giá đắt. Tại LHP Quốc tế Hà Nội, Night of Silence đã đoạt số giải thưởng nhiều nhất là 3 giải, trong đó sự vinh danh dành cho đạo diễn.

Bùi Dzũng

Bình luận về bài viết này