Thông tin tổng hợp

Báo chí

Riêng lẻ

Toàn cảnh “đế chế” Bim Group của đại gia Đoàn Quốc Việt

Chỉ vài tháng sau khi cụm dự án điện mặt trời 330MW đi vào hoạt động, CTCP Năng lượng tái tạo BIM (BIM Energy) đã có lãi và mức lãi rất ấn tượng.

Toàn cảnh “đế chế” Bim Group của đại gia Đoàn Quốc Việt ảnh 1
‘Đế chế” Bim Group của đại gia Đoàn Quốc Việt mạnh cỡ nào?

Tháng 5/2020, Công ty cổ phần BEHS (BEHS) – pháp nhân khi đó mới tròn 1 tuần tuổi – bất ngờ chi nửa nghìn tỉ đồng để trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 (Mã CK: PC1). Thương vụ mang bóng dáng của BIM Group nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư.

Khi ấy, BIM Group đã và đang nổi lên là một trong những ‘tay chơi’ tham vọng bậc nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tập đoàn của ‘đại gia’ Đoàn Quốc Việt, vào tháng 8/2019, đã đưa vào vận hành cụm dự án điện mặt trời 330 MW có tổng vốn đầu tư lên tới 7.000 tỉ đồng tại Ninh Thuận.

‘Đếm tiền’ từ nắng và gió

Chỉ sau vài tháng cụm nhà máy điện mặt trời nêu trên đi vào hoạt động, dữ liệu của VietTimes cho thấy, CTCP Năng lượng tái tạo BIM (BIM Energy) đã có lãi và mức lãi cũng rất ấn tượng.

Cụ thể, năm 2019, lợi nhuận thuần của BIM Enery đạt mức 343,5 tỉ đồng, cao gấp 59,6 lần so với năm 2018, tương ứng với biên lợi nhuận lên tới 48,8%.

Toàn cảnh “đế chế” Bim Group của đại gia Đoàn Quốc Việt ảnh 2

BIM Energy được thành lập vào tháng 9/2017, bởi hai thành viên lâu năm trong hệ sinh thái BIM Group là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long (Bim Hạ Long) và CTCP Muối Cà Ná Ninh Thuận, cùng ông Đoàn Quốc Huy (SN 1984) – con trai của Chủ tịch Bim Group Đoàn Quốc Việt.

Đến tháng 8/2018, trong cơ cấu của BIM Energy bắt đầu ghi nhận sự góp mặt của AC Energy Vietnam Investments Pte Ltd. Thành viên của tập đoàn năng lượng Ayala (Philippines) sau đó liên tục tăng tỉ lệ sở hữu tại BIM Energy, lên mức 47% vốn vào cuối năm 2019. Và đến tháng 1/2021, tỉ lệ sở hữu của pháp nhân này tại BIM Energy đã nâng lên mức 49%.

‘Quả ngọt’ đến từ lĩnh vực năng lượng tái tạo phần nào củng cố thêm vị thế và tiềm lực cho ‘đế chế’ BIM Group – vốn đã đồ sộ nhưng không kém phần hiệu quả – của vị doanh nhân sinh năm 1955.

‘Đế chế’ Bim Group lớn cỡ nào?

Doanh nhân Đoàn Quốc Việt khởi đầu hành trình kinh doanh từ việc buôn bán máy tính tại Ba Lan và Nga. Hồi hương, ông Việt bắt tay gây dựng ‘đế chế’ BIM Group với dự án khách sạn hạng sang Hạ Long Plaza.

Toàn cảnh “đế chế” Bim Group của đại gia Đoàn Quốc Việt ảnh 3
Một số thành viên trong hệ sinh thái BIM Group

Tới nay, BIM Group cho biết đã phát triển quỹ đất rộng hơn 5,6 triệu m2 tại Hạ Long, Phú Quốc, Hà Nội, Lào.

Tại Quảng Ninh, ngoài dự án Hạ Long Plaza, BIM Group là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Halong Marina (248ha) với nhiều dự án thành phần, bao gồm: Grand Bay Halong (6,6 ha), Green Bay Village (10 ha), Royal Lotus Resort & Villas (4 ha), Little Vietnam (3,3 ha),…

Bên cạnh đó, BIM Group cũng là chủ đầu tư dự án Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng, được phát triển trên quỹ đất được UBND tỉnh Quảng Ninh thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đường bao biển Hùng Thắng.

Tháng 3/2019, BIM Group đề xuất lập quy hoạch 1/500, dự tính chia dự án KĐT dịch vụ Hùng Thắng thành các dự án thành phần, bao gồm: Khu Đa giác số 1; Khu Đa giác số 2; Khu hỗn hợp chung cư, dịch vụ và biệt thự nghỉ dưỡng tại bán đảo số 2.

Tháng 8/2019, BIM Group đã được UBND Tp. Uông Bí (Quảng Ninh) đồng ý về chủ trương để doanh nghiệp này nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp rộng 2.000ha trên địa bàn thành phố.

Xuôi về phía Nam, BIM Group cũng phát triển nhiều dự án bất động sản đáng nể tại ‘đảo ngọc’ Phú Quốc như: Phu Quoc Marina (155ha), Park Hyatt Phu Quoc, Palm Garden Shop Villas Phu Quoc (7ha), InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort (9,2ha).

Ngoài ra, ông Đoàn Quốc Việt còn đứng tên tại loạt doanh nghiệp mang thương hiệu ‘Syrena’ hoạt động trong lĩnh vực địa ốc như CTCP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam, CTCP Bất động sản Syrena Hạ Long, Công ty TNHH Liên doanh Hạ Long Plaza.

BIM Group còn hợp tác cùng Tập đoàn Aeon Mall đầu tư dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông có giá trị đầu tư hơn 190 triệu USD (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng) tại Hà Nội.

Trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm, BIM Group sở hữu Khu nuôi tôm Minh Thành diện tích hơn 251ha, sản lượng trung bình 2.000 tấn/năm; Khu nuôi hàu Thái Bình Dương trên vịnh Bái Tử Long quy mô 1.000ha; Khu nuôi tôm Đồng Hoà quy mô 1.234ha; Trung tâm đầu tư và phát triển nguồn giống Phú Quốc.

Bên cạnh đó, tập đoàn này còn sở hữu cánh đồng muối rộng 2.500ha tại Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận. Đây cũng là lợi thế không nhỏ để BIM Group phát triển dự án các năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận trong tương lai, nếu tập đoàn này thực sự nghiêm túc và quyết tâm triển khai.

Như đã đề cập ở đầu bài viết, CTCP Muối Cà Ná Ninh Thuận là cổ đông sáng lập của BIM Energy, và nắm 9,667% vốn CTCP Điện gió BIM (tính đến tháng 6/2020).

Theo tìm hiểu của VietTimes, lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm của BIM Group mang đậm dấu ấn của bà Khổng Thị Hiền – phu nhân của ông Đoàn Quốc Việt.

Bà Hiền là Chủ tịch HĐQT CTCP Xay xát và Chế biến Gạo BIM (chủ đầu tư dự án Nhà máy xay xát và chế biến gạo Hòn Đất) đại diện phần vốn góp của doanh nghiệp này tại CTCP Sản xuất và chế biến muối BIM. Nữ doanh nhân sinh năm 1955 cũng đại diện cho phần vốn góp (99,9%) của CTCP Sản xuất và chế biến muối BIM tại CTCP Muối Cà Ná Ninh Thuận (chủ dự án muối Quán Thẻ tại Ninh Thuận).

Trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, thông qua CTCP Life Style Việt Nam, BIM Group sở hữu chuỗi phòng tập Elite Fitness, kinh doanh độc quyền thương hiệu Zpizza. Thêm nữa, CTCP Life Style Việt Nam thông qua công ty con là CTCP Thương mại Dịch vụ Thiếu Nhi Mới sở hữu mô hình sân chơi Giáo – Trí mang thương hiệu “tiNiWorld”.

Toàn cảnh “đế chế” Bim Group của đại gia Đoàn Quốc Việt ảnh 4

Sơ phác tài chính BIM Group

Thể hiện vai trò trụ cột trong ‘đế chế’ kinh doanh của ông Đoàn Quốc Việt, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp địa ốc các năm gần đây cũng rất ấn tượng, với biên lợi nhuận ở mức cao.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2019, biên lợi nhuận của CTCP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam liên tục được cải thiện. Riêng năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt đạt 531,5 tỉ và 242 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận đạt 45,5%.

CTCP Bất động sản BIM (BIM Land) ghi nhận kết quả kinh doanh nhiều biến động hơn. Năm 2018, doanh nghiệp này bất ngờ báo lãi 1.099,7 tỉ đồng, trong khi năm 2017 báo lỗ 0,2 tỉ đồng. Bước sang năm 2019, BIM Land báo lãi đạt 699 tỉ đồng, giảm 36,4% so với năm trước.

Toàn cảnh “đế chế” Bim Group của đại gia Đoàn Quốc Việt ảnh 5

BIM Hạ Long cũng ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt đạt mức 1.722,1 tỉ đồng và 754,3 tỉ đồng.

Công ty này được thành lập từ tháng 9/1994, ghi dấu trong quá trình phát triển của BIM Group khi nắm giữ lượng lớn cổ phần ở nhiều thành viên khác trong hệ sinh thái.

Đối với lĩnh vực năng lượng, như đã đề cập ở đầu bài viết, cụm dự án điện mặt trời 330MW sau khi đi vào hoạt động đang đem lại doanh thu và lợi nhuận tích cực cho BIM Group.

Tháng 7/2018, Công ty TNHH Tập đoàn BIM được thành lập bởi vợ chồng doanh nhân Đoàn Quốc Việt – Khổng Thị Hiền, đánh dấu quá trình tái cơ cấu của tập đoàn.

Công ty TNHH Tập đoàn BIM nhiều khả năng đóng vai trò quản lý các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo và thuỷ sản. Pháp nhân này hiện nắm 23,667% vốn CTCP Điện gió BIM; 68,452% vốn của CTCP Tập đoàn Năng lượng BIM (BIM Energy Holding) và 99,954% vốn CTCP Thuỷ sản BIM (BIM Seafood).

Toàn cảnh “đế chế” Bim Group của đại gia Đoàn Quốc Việt ảnh 6

Ngay trong năm đầu thành lập, Công ty TNHH Tập đoàn BIM (công ty mẹ) đã báo lãi 1.141,9 tỉ đồng, quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2018 đạt mức 6.342,2 tỉ đồng. Bước sang năm 2019, lợi nhuận thuần của công ty đạt 785 tỉ đồng, giảm 31,2% so với năm trước.

Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Tập đoàn BIM lần lượt đạt 7.342,6 tỉ đồng và 5.129 tỉ đồng.

Trong khi đó, CTCP Thực phẩm BIM lại có kết quả kinh doanh kém sắc so với các thành viên khác. Liên tiếp trong các năm 2018 và 2019, công ty này báo lỗ lần lượt 32,1 tỉ đồng và 339,5 tỉ đồng.

Toàn cảnh “đế chế” Bim Group của đại gia Đoàn Quốc Việt ảnh 7

Hàng không cũng là một trong những nốt trầm hiếm hoi trong ‘đế chế’ kinh doanh của ông Đoàn Quốc Việt. Sau khi Air Mekong ngừng bay (tháng 3/2013), chia sẻ với truyền thông, ông Việt cho biết quyết định ngừng bay đã đến sau một đêm thức trắng, vì ‘càng bay càng thấy lỗ’. Tới nay, trang chủ của BIM Group không còn giới thiệu về lĩnh vực này./.


Riêng lẻ

Alpha King rời khỏi Việt Nam?

Từng công bố hàng loạt dự án đình đám, nhưng đến nay Tập đoàn Alpha King đã sang nhượng lại hầu hết. Điều này làm dấy lên những đồn đoán rằng tập đoàn này “buông” thị trường Việt Nam.

Nơi đây từng tổ chức nhiều sự kiện lớn của Alpha King và nay đã thuộc về Masterise Homes, một thành viên của Masterise Group /// Ảnh: Đình Sơn

Nơi đây từng tổ chức nhiều sự kiện lớn của Alpha King và nay đã thuộc về Masterise Homes, một thành viên của Masterise GroupẢNH: ĐÌNH SƠNNăm 2018, thị trường bất động sản rúng động khi Tập đoàn Alpha King công bố mua lại và triển khai hàng loạt dự án bất động sản lớn tại TP.HCM. Những dự án này đều nằm ở vị trí đắc địa và mức giá chào bán cũng cao ngất ngưởng.Nhưng sau những công bố ồn ào các hợp đồng với những đối tác lớn như Coteccons, CBRE… để triển khai dự án thì mọi thứ rơi vào im lặng. Đến nay các dự án này đã về tay một ông lớn khác.Dự án The Centennial Saigon đã thay tênĐơn cử dự án The Centennial Saigon (ở quận 1, TP.HCM), dự án đầu tay của Alpha King tại Việt Nam, ra mắt năm 2018 với tên gọi “căn hộ triệu đô” tại khu đất HH5-1 có diện tích 3.558 m2thuộc Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son. Dự án này ban đầu do Công ty TNHH Hưng Phát Invest Hà Nội là chủ đầu tư. Thông qua việc thâu tóm Hùng Thịnh Invest Hà Nội, Alpha King đã trở thành chủ đầu tư dự án.Theo thiết kế, dự án gồm 46 tầng nổi và 3 tầng hầm. Tại thời điểm công bố, Alpha King đưa ra mức giá bán lên đến hơn 331 triệu đồng/m2. Như vậy, căn hộ có diện tích 166,74 m2 tại dự án này có giá lên đến hơn 55,6 tỉ đồng dù dự án khi đó chỉ là khu đất trống. 

Alpha King rời khỏi Việt Nam? - ảnh 1

The Centennial Saigon đã được thay bằng tên khác của chủ đầu tư khác

ẢNH: ĐÌNH SƠNKhi đó, dự án được công bố khá “hoành tráng” như có 2 hồ bơi nước mặn tại tầng 1 và tầng 46 với hệ thống xử lý nước bằng điện phân muối biển, không dùng hóa chất. Ngoài ra, Centennial còn cung cấp tiêu chuẩn quản lý và vận hành căn hộ tiêu chuẩn khách sạn 5 sao với hơn 30 dịch vụ. Đặc biệt, chất liệu kính 8 lớp Laminated Triple LowE giúp cản tới 95% tia UV độc hại, cản nhiệt, truyền sáng, cách âm tuyệt đối…Đến tháng 11.2019, Công ty Hưng Phát Invest Hà Nội bất ngờ đổi chủ. Theo đó, Công ty Hùng Thịnh không còn nắm giữ cổ phần, chủ mới là Công ty TNHH đầu tư Minh Huy Land từng hợp tác với Masterise Group trong dự án Masteri Thảo Điền. Người đại diện pháp luật của Minh Huy Land là bà Nguyễn Thị Minh Thư, cổ đông nắm giữ 25% cổ phần của công ty này và có nhiều quan hệ với hệ sinh thái của Masterise Group. Trên các bảng quảng cáo tại dự án, cái tên Masterise Homes đã xuất hiện thay cho Alpha King.

Alpha City, Alpha Town cũng đổi chủ

Cùng trong năm 2019, giới kinh doanh bất động sản tại TP.HCM xôn xao trước thông tin chào bán căn hộ tại dự án Alpha City có vị trí tại số 87 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 với giá bán cao nhất lên đến khoảng 10.000 USD/m2 (khoảng hơn 220 triệu đồng/m2). Đây cũng được xem là dự án căn hộ có mức giá cao kỷ lục tại TP.HCM. Dự án nằm trên một khu đất rộng 8.320 m2, gồm 1.076 căn hộ cao cấp từ 1 – 3 phòng ngủ có diện tích 50 – 200 m2. Căn hộ giá thấp nhất ở đây đã 11 tỉ đồng, căn hộ giá cao nhất là 44 tỉ đồng. Dự kiến dự án sẽ giao nhà vào quý 2/2021.Dự án này được Alpha King mua lại từ Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ngân Bình và rầm rộ triển khai mở bán, nhưng đến nay đang dừng lại ở phần thi công móng cọc. Alpha City cũng đã lọt vào tay của Masterise Group.

Alpha King rời khỏi Việt Nam? - ảnh 2

Alpha City cũng đã đổi chủ

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Ra mắt cùng thời điểm với Alpha City, dự án Alpha Town tọa lạc tại 289 Trần Hưng Đạo và 74 Hồ Hảo Hớn (quận 1) cũng là một trong những dự án có vị trí vàng. Trước khi Alpha King mua lại dự án này, lô đất hơn 4.000 m2thuộc về Công ty cổ phần Đức Khải và Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group). VIPD Group là một trong những công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.Sau khi Alpha King tiếp nhận lại, Alpha Town được phát triển thành tòa nhà văn phòng hạng A với quy mô 35 tầng, dự kiến cung cấp cho thị trường 70.000 m2 sàn văn phòng và hơn 2.300 m2 sàn thương mại. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa có dấu hiệu khởi công trở lại và nhiều thông tin cho biết dự án đã lọt vào tay một doanh nghiệp bất động sản Việt Nam.Như vậy, cả 3 dự án mà Alpha King đầu tư ở Việt Nam đến nay đã sang nhượng lại hết. Nhiều người am hiểu trong lĩnh vực bất động sản cho biết, những rắc rối về pháp lý khiến Alpha King không thể xử lý được nên đành bán lại các dự án.

Tập đoàn Alpha King khi đó được giới thiệu là tập đoàn bất động sản quốc tế, chuyên phát triển các dự án phức hợp bao gồm cao ốc văn phòng hạng A, trung tâm thương mại tầm cỡ và căn hộ sang trọng chuẩn quốc tế trên nền tảng đội ngũ gồm hơn 140 chuyên gia hàng đầu đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tập đoàn này đặt văn phòng ở số 8, Nguyễn Huệ, quận 1 do ông Chan Ming Simon là người đại diện pháp luật. Tổng giám đốc là ông Cheung Clarence Leonard. Các cổ đông chính là: Alpha King Investment Limited (trụ sở tại Hồng Kông) giữ 93,3%, 2 cá nhân là Li Yibin và Chiu Keung Kenneth nắm mỗi người 3,3%.


Riêng lẻ

Hệ sinh thái ‘khủng’ của Vissai Group

Dưới sự chèo lái của doanh nhân Hoàng Mạnh Trường (bầu Trường), Vissai Ninh Bình không những trở thành ‘đại gia’ số má trong ngành xi măng mà còn liên tục mở rộng quy mô sang khách sạn, thủy điện, vận tải và cả bất động sản.

khach-san-vissai-ninh-binh_1521219247_1521279338
Khách sạn The Vissai Ninh Bình. Ảnh: Vissai Group

Nhận thấy những tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế từ ngành công nghiệp vật liệu xây dựng tại Ninh Bình, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng đặt nền móng tại đây, điển hình có thể kể đến như Tam Điệp, Bỉm Sơn, Xuân Thành… Đặc biệt trong đó không thể bỏ qua cái tên Vissai với tiềm lực không hề kém cạnh.

Theo đó, năm 2004, Công ty TNHH xi măng Vinakanssai trực thuộc Công ty TNHH đầu tư phát triển thương mại sản xuất Hoàng Phát ra đời.

Đến năm 2009, công ty đổi tên thành Tập đoàn xi măng Vissai với ngành kinh doanh chính là sản xuất xi măng và clinker. Năm 2017, công ty được đổi tên thành Công ty cổ phần Vissai Ninh Bình. Cập nhật tại ngày 30/5/2018, Vissai Ninh Bình có số vốn điều lệ 1.504,45 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Nguyễn Ngọc Oánh (0,007%), Đỗ Thị Phượng (22,14%) và nắm giữ cổ phần chi phối lên đến 77,854% là ông Hoàng Mạnh Trường.

Giống như bầu Thuỵ – ông chủ Tập đoàn Xuân Thành, doanh nhân Hoàng Mạnh Trường cũng từng có thời gian gắn bó với bóng đá Ninh Bình. Theo đó, vào năm 2007, đại gia Mạnh Trường đã mua suất của đội bóng Sơn Đồng Tâm (Long An) rồi đưa về Ninh Bình với tên gọi Vinakansai Ninh Bình. Hai năm sau, ông quyết định chuyển sang sử dụng tên thi đấu chính thức Câu lạc bộ bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình. Cuối năm đó đội đoạt chức vô địch giải hạng Nhất và giành quyền thi đấu ở Giải bóng đá vô địch quốc gia kể từ năm 2010, cái tên bầu Trường cũng được biết đến nhiều từ đây.

Để nuôi đội bóng, vị doanh nhân Ninh Bình sẵn sàng “chịu chơi” đến mức bỏ ra 50 tỷ đồng/năm. Hễ ai đầu quân về đây coi như “một bước lên tiên” bởi ông chẳng bao giờ tiếc tay đối với cầu thủ. Đặc biệt, ông còn nổi tiếng với màn khao bia miễn phí cho hơn 20 nghìn khán giả trên khán đài đến cổ vũ cho đội bóng của mình. 

Dù rất chịu chi nhưng dường như doanh nhân Hoàng Mạnh Trường không có duyên với bóng đá, bởi sau những thành tích đạt được, vào năm 2014, các cầu thủ The Vissai Ninh Bình lại dính vào nghi án bán độ rồi bị triệu tập lấy lời khai, thừa nhận tham gia bán độ… Ngay lập tức, ông  đã quyết định rút khỏi giải V.League với lý do mất hầu hết các trụ cột. Một năm sau ông chính thức giải thể đội bóng và bàn giao đội U13, U15 và U19 cho địa phương.

Trở lại với Vissai Ninh Bình, sau 17 năm phát triển, doanh nghiệp này đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế lớn của tỉnh Ninh Bình. Và trong giai đoạn đó, tập đoàn của ông bầu Hoàng Mạnh Trường đã có những bước tiến dài, đặc biệt là việc lập “kỳ tích” khi ký được hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn clinker sang thị trường Băngladesh hồi nửa cuối năm 2010.

Đây là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của thương hiệu Vissai khi kể từ đó, tập đoàn này đã nối dài các thị trường xuất khẩu tới gần 20 quốc gia như CHLB Đức, Mozambique, Conggo, Indonesia, Trung Quốc, Hồng Kông, Thụy Sỹ, Pháp, Australia, Mỹ…

Không dừng lại tại đó, năm 2014, Vissai tiếp tục tạo dấu ấn đậm nét khi vượt qua nhiều đối thủ, trở thành nhà cung cấp vật liệu cho Ciments de Bourbon để thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc cho đảo Reunion Island tại Ấn Độ Dương – Réunion highway của chính phủ Pháp.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, liên tiếp trong hai năm 2014-2015, Vissai còn mạnh tay mua lại 3 doanh nghiệp xi măng là Đồng Bành, Đô Lương và Dầu khí 12/9 (nay là CTCP Xi măng Sông Lam 2) để củng cố vị thế, qua đó trở thành doanh nghiệp xi măng lớn thứ 2 trên thị trường Việt Nam.

Cho đến thời điểm hiện tại, các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực xi măng của Vissai gồm: Công ty Cổ phần Vissai Ninh Bình (Vissai Ninh Bình); Công ty Cổ phần Vissai Hà Nam (vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành; Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam 2 và Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam.

Trong đó, Xi măng Sông Lam là nổi bật hơn cả khi liên tục đóng góp doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho cả hệ sinh thái. Công ty này được thành lập vào tháng 7/2004, trụ sở hiện đặt tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất xi măng, vôi, thạch cao. Tháng 9/2016, Sông Lam tăng vốn từ 450 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, số vốn điều lệ là 1.770 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Oánh (SN 1972).

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và củng cố cho tham vọng xây dựng Vissai thành thương hiệu quốc tế, thông qua các công ty thành viên trong lĩnh vực truyền thống của doanh nghiệp, bầu Trường đã xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất xi măng nghìn tỷ đồng gồm: Nhà máy Xi măng The Vissai Ninh Bình tại Khu CN Gián Khẩu Huyện Gia Viễn Tỉnh Ninh Bình (Tổng mức đẩu tư: 5.000 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất xi măng tại Hà Nam (Tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất Xi măng tại Lạng Sơn (Tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất Xi măng tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (Tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng); Nhà máy xi măng Sông Lam tại Huyện Đô Lương (12.500 tỷ đồng).

Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là xi măng, doanh nhân vùng đất cố đô còn mạnh tay đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, kinh doanh khách sạn, thủy điện và cả vận tải.

Đối với lĩnh vực bất động sản, ngoài việc sở hữu Khách sạn 5 sao THE VISSAI HOTEL với tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng tại Ninh Bình, Vissai còn gây tiếng vang khi mua 97% cổ phần CTCP Sài Gòn Givral – công ty con của OCH vào năm 2012. Qua đó, sở hữu dự án khách sạn Starcity Sài Gòn, nay có tên mới là Vissai Saigon Hotel.

Không dừng ở đó, tháng 5/2015, trên website của mình, Vissai còn điền tên Trung tâm thương mại- Dịch vụ 35 Tràng Tiền vào danh sách các dự án đầu tư. Theo giới thiệu, dự án có tổng mức đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng, với 6 tầng thương mại, dịch vụ và giải trí (2 tầng hầm). Tổng diện tích dự án lên tới 2.000 m2 và nằm tại khu đất “vàng” 35 Tràng Tiền- là trụ sở của CTCP Kem Tràng Tiền. Tuy nhiên không lâu sau đó, thông tin này đã bị xóa khỏi danh mục các dự án đầu tư của Vissai. Tại BCTC năm 2020 của OCH, mặc dù CTCP Kem Tràng Tiền không xuất hiện trong danh mục công ty con, hay công ty liên kết của OCH, tuy nhiên các vị trí chủ chốt tại Kem Tràng Tiền đều do người của OCH nắm giữ.

Mới đây nhất, thông qua pháp nhân có liên hệ mật thiết là CTCP Bán đảo Kênh Gà, doanh nghiệp của bầu Trường đã được tỉnh Ninh Bình giao lập quy hoạch cho dự án khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình với tổng vốn đầu tư khoảng 1 – 1,5 tỷ USD. Được giao lập quy hoạch chung chưa đồng nghĩa với việc trở thành chủ đầu tư, tuy nhiên với vị thế và mối quan hệ sẵn có tại “cứ điểm” Ninh Bình, sẽ không bất ngờ khi doanh nghiệp của bầu Trường là ứng viên sáng giá nhất tại siêu dự án gần 2.000ha.

Ngoài những doanh nghiệp kể trên, hệ sinh thái của ông Hoàng Mạnh Trường còn có CTCP Dịch vụ và Vận tải Vissai, CTCP Cảng Việt Nhật, CTCP Dịch vụ Cảng Bích Đào; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu The Vissai; CTCP Tài chính và Phát triển năng lượng.

Screenshot (435)

Hệ sinh thái của bầu Trường làm ăn ra sao?

Dữ liệu cho thấy, lĩnh vực xi măng vẫn đóng vai trò chủ đạo đối với Vissai Group khi nhiều thành viên hoạt động trong lĩnh vực này có doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cùng kết quả kinh doanh vượt trội so với các lĩnh vực khác.

Trong đó, bộ đôi Vissai Ninh Bình và Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam (Xi măng Sông Lam) có doanh thu nổi bật hơn cả.

Đối với Vissai Ninh Bình (công ty mẹ), giai đoạn 2016-2019, doanh thu thuần của công ty này luôn duy trì trên mức 4.000 tỷ đồng, riêng năm 2019 là 5.303 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Trong ngành xi măng tại khu vực Ninh Bình, mức doanh thu năm 2019 của Vissai Ninh Bình chỉ xếp sau Xi măng Xuân Thành với doanh thu 7.748 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận của Vissai Ninh Bình (công ty mẹ) lại rất mỏng. Như năm 2019, công ty này chỉ báo lãi vỏn vẹn 10 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận chưa tới 1%. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của Vissai Ninh Bình ở mức 9.479 tỷ đồng.

Screenshot (437)

Trong khi đó, những năm gần đây Xi măng Sông Lam lại ghi nhận đà tăng trưởng mạnh về doanh thu, như năm 2018 là 4.363 tỷ đồng thì đến năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đã ở mức 5.103 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần tương ứng cũng tăng mạnh, riêng năm 2019 là 545 tỷ đồng, tăng 51,8% so với năm trước. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Xi măng Sông Lam đạt mức 10.374,9 tỷ đồng, cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, một số công ty thành viên khác thuộc hệ sinh thái của bầu Trường cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2019 với doanh thu thuần ở mức nghìn tỷ đồng như Vissai Hà Nam 2.224 tỷ đồng hay Xi măng Sông Lam 2 với 666 tỷ đồng.


Riêng lẻ

Điều ít biết về ‘đế chế’ đa ngành PGS Group

Khởi sự là một doanh nghiệp địa phương với vai trò phân phối xe máy và ô tô, những năm gần đây, Tổng Công ty PGS đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang cả nhà hàng và bất động sản.

Screenshot (423)
Doanh nhân Phan Thị Xuân. Ảnh: PGS

Vào năm 1999, phương tiện đi lại chính của người dân Việt Nam là xe máy Trung Quốc với giá thành rẻ nhưng đi kèm đó là chất lượng kém, thêm vào đó, các hãng xe máy trong nước cũng đã xuất hiện nhưng mang tính thưa thớt, chủ yếu thăm dò thị trường bằng một số sản phẩm có chất lượng, dẫu vậy giá thành lại rất cao.

Giữa bối cảnh đó, doanh nhân sinh năm 1955 Phan Thị Xuân với mong muốn đưa sản phẩm xe máy chất lượng tốt, giá thành phù hợp đến với người dân, đã thành lập nên Doanh nghiệp tư nhân thương mại Xuân Bình – tiền thân của CTCP Tổng Công ty PGS.

“Thời điểm mới được thành lập, doanh nghiệp của tôi chỉ vẻn vẹn có 3 người, là 2 người thợ và tôi – người kiêm nhiệm tất cả mọi việc. Mới đầu, nhiều lúc tôi nghĩ rằng mình không thể vượt qua được khi khó khăn lớn nhất là nguồn vốn, bởi thời điểm ấy tôi chưa có thương hiệu và uy tín, trong khi bán một chiếc xe máy lúc đấy chỉ lãi 100 nghìn đồng”, bà Phan Thị Xuân từng chia sẻ.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, PGS hiện nay đã trở thành tổng công ty kinh doanh dịch vụ đa ngành tại khu vực Bắc miền Trung cũng như các tỉnh lân cận. Cập nhật tại ngày 8/3/2018, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 300 tỷ đồng, trong đó bà Phạm Thị Lam Giang (sinh năm 1980) nắm giữ 76%. Tại PGS, bà Giang đảm trách vai trò Tổng Giám đốc, còn Chủ tịch HĐQT là bà Phan Thị Xuân.

Screenshot (418)
Doanh nhân Phạm Thị Lam Giang. Ảnh: PGS

Có thể nói, Phạm Thị Lam Giang là trợ thủ đắc lực của bà Phan Thị Xuân, khi hiện tại hầu hết cổ phần tại các công ty thuộc hệ sinh thái PGS đều do doanh nhân 8X này trực tiếp đứng tên.

Đó là loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe máy, ô tô tại các tỉnh Bắc miền Trung như Công ty TNHH Ô tô Trung Đô (đại lý ô tô Ford tại Vinh), CTCP Hưng Phát (tháng 7/2010), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nhật Bách (2013), Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Gia Phạm (sở hữu đại lý Honda Ô tô tại Ninh Bình), Công ty TNHH Thương mại Ô tô Quảng Bình (sở hữu đại lý Honda Ô tô tại Quảng Bình), CTCP Xuất nhập khẩu Hoàng Long (sở hữu đại lý Ô tô Ford tại Quảng Bình), Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và Tổng hợp An Phát (hệ thống HEAD Honda Hưng Phát 6 – 8 tại Quỳnh Lưu), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Dịch vụ Tiến Phát (quản lý đại lý HEAD Honda Hưng Phát 7 tại Thanh Hóa), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại PGS Quảng Trị (đại lý ô tô Toyota tại Quảng Trị), Công ty TNHH AMV hay Công ty TNHH Thương Mại Ô tô Thanh Hóa.

Hay là Công ty TNHH Thắng Lợi, pháp nhân từng được đề cập vào giữa năm ngoái khi liên quan đến vụ việc tẩy xóa và sửa số liệu tại hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 công trình Showroom ôtô Honda Nghệ An Sông Lam, diện tích 2.250m2.

3

Công ty TNHH Thắng Lợi được thành lập vào đầu năm 2009, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực buôn bán ô tô và xe động cơ khác. Tại ngày 30/5/2018, công ty này có số vốn điều lệ đạt 7,2 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Nguyễn Văn Hùng (72,2%) và Huỳnh Thị Kim Liên (27,77%). Cuối năm 2018, toàn bộ cổ phần tại đây được chia đều cho hai cá nhân là Nguyễn Mạnh Tiến và Trần Tuấn Anh.

Đến tháng 3/2020, Thắng Lợi đánh dấu sự xuất hiện của CTCP Tổng Công ty PGS và bà Phạm Thị Lam Giang với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 95% và 5%. Bà Lam Giang đồng thời cũng trở thành Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại Thắng Lợi.

Screenshot (412)

Trong nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thống của PGS không thể không kể đến Công ty TNHH Vinamotor Nghệ An, một trong những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực bán buôn ô tô tại tỉnh Nghệ An, đồng thời là nhà phân phối ủy quyền đầu tiên của Mercedes-Benz tại khu vực Bắc Miền Trung kể từ tháng 9/2017. Được biết, sau khi trở thành nhà phân phối, Vinamotor Nghệ An đã đầu tư khoảng hơn 7 triệu USD để mở trung tâm bán hàng và dịch vụ Mercedes-Benz tại ngã tư sân bay Vinh. Đây là trung tâm có tổng diện tích hơn 11.000m2 đạt tiêu chuẩn quốc tế Autohaus 300 về cả chức năng bán hàng và hậu mãi của Mercedes-Benz.

IMG_20210221_211917
Trung tâm bán hàng và dịch vụ Mercedes-Benz tại cửa ngõ sân bay Vinh của Vinamotor Nghệ An. Ảnh: VĂN DŨNG

Vinamotor Nghệ An ra đời vào đầu năm 2017 bởi hai cổ đông sáng lập là bà Phạm Thị Lam Giang (30%) và ông Dương Kiên Cường (70%). Ở lần thay đổi gần nhất (2/10/2020), vốn điều lệ công ty này ở mức 55 tỷ đồng, trong đó ông Dương Kiên Cường nắm giữ cổ phần chi phối lên đến 90%.

Dưới sự điều hành trực tiếp của bà Phạm Thị Lam Giang, PGS cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực nhà hàng và bất động sản.

Đại diện cho lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ là Công ty TNHH Cổng Vàng Vinh được thành lập năm 2014. Công ty này hiện đang sở hữu 8 cửa hàng được nhượng quyền từ Golden Gate Group – Tập đoàn hàng đầu về chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Các thương hiệu nhà hàng bao gồm: GoGi Hous, Vuvuzela, Shogun, Hutong.

Trên trang chủ, Cổng Vàng Vinh giới thiệu là đơn vị “Tiên phong trong việc đưa các chuỗi nhà hàng sang trọng, đẳng cấp đến với thành phố Vinh và Thanh Hóa”, đồng thời góp phần làm “thay đổi hoàn toàn cục diện ngành F&B và thói quen thưởng thức ẩm thực của người dân địa phương. Hàng năm, công ty phục vụ và tiếp đón hơn 2 triệu lượt khách”.

2

Sau đấy đến năm 2015, PGS tiếp tục thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Gia Phạm – đơn vị vận hành Trung tâm giải trí City HUB, động thái này đánh dấu bước đi hoàn toàn mới của tổng công ty trong lĩnh vực bất động sản cho thuê. City HUB tọa lạc tại số 1 Đường Lê Hồng Phong, TP Vinh, Nghệ An, là một tổ hợp đa chức năng bao gồm trung tâm thương mại, nhà hàng, khu vui chơi, văn phòng cho thuê, hồ bơi, trung tâm thể dục thể thao, khu vực cảnh quan xanh, khu vui chơi dành cho trẻ em và bãi đậu xe ngầm.

1

Sở hữu hệ sinh thái đồ sộ hoạt động đa ngành và quy mô ngày một mở rộng, tuy nhiên điều bất ngờ là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái PGS hoạt động không quá nổi bật. 

Như Gia Phạm và Cổng Vàng Vinh, mặc dù được quảng bá khá nhiều tuy nhiên kết quả kinh doanh của hai pháp nhân này lại không mấy khả quan khi lãi thuần giai đoạn 2017-2019 có dấu hiệu giảm nhanh. Với Cổng Vàng Vinh, năm 2017, lãi thuần doanh nghiệp này ở mức 2,48 tỷ đồng thì đến năm 2019 lại lỗ thuần 500 triệu đồng. Còn với Gia Phạm, nếu như năm 2018 công ty này lỗ thuần 15 triệu đồng thì đến năm 2019 con số lỗ này đã lên đến 1,5 tỷ đồng.

Hay với PGS (công ty mẹ) trong năm 2019 cũng đã báo lỗ thuần hơn 1,1 tỷ đồng, tổng tài sản ở mức 130,9 tỷ đồng.

Lỗ thuần cũng là bức tranh chung đối với những doanh nghiệp còn lại của hệ sinh thái PGS trong năm 2019, điển hình như Công ty TNHH Ô tô Trung Đô, mặc dù thu về hơn 727 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng lại ghi nhận lỗ thuần gần 1 tỷ đồng, tương tự CTCP Hưng Phát cũng báo lỗ hơn 7,3 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả kinh doanh có phần giảm sút, dữ liệu còn thể hiện, hai cá nhân Phan Thị Xuân và Phạm Thị Lam Giang cũng đã nhiều lần đăng ký đảm bảo tài sản tại các nhà băng cho các khoản vay của mình.

Cụ thể, vào tháng 6/2017, bà Lam Giang đã đăng ký đảm bảo toàn bộ vốn góp của mình tại Gia Phạm ở Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi Nhánh Nghệ An. Đây cũng là nhà băng nhận đảm bảo tài sản là phần vốn góp của cá nhân này tại Ô tô Thanh Hóa (4/2016), PGS (vào tháng 5/2018), Ô tô Ninh Bình (11/2018), Toyota PGS Quảng Trị (ngày 6 và 15/1/2021), riêng với bà Phan Thị Xuân là toàn bộ vốn góp tại Toyota PGS Quảng Trị vào ngày 6/1/2021.


Riêng lẻ

Nỗ lực hồi sinh loạt dự án của BCG Land nhìn từ dòng vốn trái phiếu

Với dòng vốn nghìn tỷ từ trái phiếu, BCG Land liên tiếp thâu tóm loạt dự án dù mới chỉ được thành lập được 2 năm, cho thấy tham vọng lớn trong lĩnh vực bất động sản của giới chủ Bamboo Capital.

Ngày 7/3/2018, Hội đồng quản trị CTCP Bamboo Capital (Mã CK: BCG) đã thông qua nghị quyết về việc góp vốn thành lập mới CTCP BCG Land (BCG Land) với quy mô vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch BCG – được cử làm người đại diện phần vốn góp của BCG tại BCG Land.

Tới ngày 15/3/2018, BCG Land chính thức được thành lập. Trong đó, BCG trực tiếp góp 62,5% vốn, một doanh nghiệp cùng nhóm khác là CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Vận tải (Tracodi – Mã CK: TCD) góp 36,667% vốn. Số cổ phần còn lại, tương đương 0,833% vốn điều lệ của BCG Land, do ông Nguyễn Thanh Hùng sở hữu. 

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, tháng 5/2019, BCG Land tăng mạnh vốn lên mức 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn tự có, tính từ trung tuần tháng 12 năm ngoái đến nay, BCG Land còn thực hiện 3 thương vụ trái phiếu, hút về tổng cộng 725 tỷ đồng (trên tổng số 1.125 tỷ đồng trái phiếu chào bán). 

Dòng vốn đổ về từ trái phiếu diễn ra song song với những hoạt động mở rộng kinh doanh, thâu tóm dự án bất động sản có phần kín tiếng của BCG Land.

Nỗ lực hồi sinh loạt dự án của BCG Land nhìn từ dòng vốn trái phiếu ảnh 1

Phối cảnh dự án Capri Island Resorts (Nguồn: capriislandresorts.com)

Capri Island Resorts: Đường về BCG Land

Mới đây, BCG Land đã công bố thông tin về đợt phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu, với phương án phát hành được HĐQT công ty phê duyệt từ ngày 16/4/2020 tại Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐQT-BCGL.

Theo đó, số trái phiếu thuộc loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 12 tháng và 1 ngày, với mức lãi suất cố định ở mức 12%/năm. 

Kết quả công bố cho thấy, BCG Land chỉ phát hành được 250 tỷ đồng trái phiếu cho 96 nhà đầu tư (trong đó có 1 nhà đầu tư tổ chức là CTCP Đầu tư và Xây dựng Bảo Phúc, 94 nhà đầu tư trong nước và 1 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài). 

CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) là đại lý phát hành, đại lý đăng ký, thanh toán và chuyển nhượng/đại diện người sở hữu trái phiếu. Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Bảo Việt Bank) – Chi nhánh Hà Nội làm đại lý quản lý tài sản bảo đảm. 

Để bảo đảm cho lô trái phiếu này, BCG Land sử dụng các quyền sử dụng và tài sản hình thành trên đất với phần diện tích đất ở đô thị, đất thương mại dịch vụ thuộc dự án Capri Island, Phường Phú Hải, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (Capri Island Resorts).

Đồng thời, BCG Land còn sử dụng phần vốn góp tại Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Vạn Đạt (Vạn Đạt) – chủ đầu tư dự án Capri Island Resorts (quy mô 2,5 ha) để làm tài sản bảo đảm. 

Dữ liệu của VietTimes thể hiện, Vạn Đạt mới chỉ về tay BCG Land từ nửa đầu năm 2020. 

Cụ thể, pháp nhân này được thành lập từ năm 2008, quy mô vốn điều lệ 25 tỷ đồng, do bộ đôi cổ đông họ Phan, cùng địa chỉ thường trú, là bà Phan Ánh Tuyết (SN 1967) và ông Phan Quốc Thuận (SN 1975) sở hữu. Tới tháng 8/2017, Vạn Đạt tăng vốn lên mức 35 tỷ đồng. 

Đến giữa tháng 5/2019, nhóm cổ đông họ Phan đồng loạt thoái vốn, chuyển nhượng lại số cổ phần cho nhóm cổ đông có liên quan tới Tập đoàn Vietpearl (Vietpearl Group), cụ thể là các cá nhân: Trần Minh Ngọc Việt (nắm giữ 40% VĐL), Trần Minh Ngọc Vĩ (nắm giữ 30% VĐL), và Phạm Xuân Hưng (nắm giữ 30% VĐL). 

Các ông Trần Minh Ngọc Việt (SN 1978) và Phạm Xuân Hưng (SN 1980) là các cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Quỹ đất Silverland. 

Riêng ông Trần Minh Ngọc Việt còn là Tổng Giám đốc của CTCP Xây lắp thủy sản Việt Nam – Phan Thiết, do CTCP Tập đoàn Vietpearl góp 90% vốn, sáng lập từ năm 2017. 

Pháp nhân này là chủ đầu tư dự án Vietpearl City Phan Thiết quy mô 9,3 ha tại Tp. Phan Thiết. Dù vậy, quy mô vốn của CTCP Xây lắp thủy sản Việt Nam – Phan Thiết tại thời điểm thành lập chỉ ở mức 20 tỷ đồng. 

Ông Trần Minh Ngọc Vĩ là người đại diện của loạt pháp nhân như: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Benco Việt Nam, CTCP Benhill Việt Nam, CTCP Benland Việt Nam.Nỗ lực hồi sinh loạt dự án của BCG Land nhìn từ dòng vốn trái phiếu ảnh 2

Vị trí dự án (Nguồn: banggiadautu.vn)

Trở lại với Vạn Đạt, cơ cấu cổ đông của pháp nhân này còn nhiều lần được đổi sang các cá nhân khác có nhiều mối liên hệ với Vietpearl Group như: Nguyễn Duy Vương, Văn Thị Minh Khánh, Trần Bình Minh Vy.

Hình bóng của BCG Land tại Capri Island Resorts được thể hiện rõ nét từ ngày 6/5/2020, khi bà Phạm Thị Ngọc Thanh trở thành cổ đông lớn, nắm giữ 50,1% vốn điều lệ của Vạn Đạt. 

Nữ cổ đông sinh năm 1987 là người đại diện của loạt pháp nhân có nhiều mối liên hệ đến BCG là CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios (Helios), CTCP Sao Sáng Sài Gòn (Sao Sáng Sài Gòn), CTCP Viet Golden Farm (Viet Golden Farm).

Đến ngày 2/6/2020, toàn bộ số cổ phần của Vạn Đạt do CTCP BCG Land Gateway (BCG Land Gateway) và bà Phạm Thị Ngọc Thanh nắm giữ, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 99% và 1%. Lúc này, Vạn Đạt có quy mô vốn điều lệ ở mức 75 tỷ đồng.

BCG Land Gateway tiền thân chính là Viet Golden Farm, pháp nhân này được thành lập từ 2015, do BCG là cổ đông sáng lập và nắm giữ 51% vốn điều lệ. Tới tháng 7/2016, sau khi tăng vốn, Viet Golden Farm không còn là công ty con của BCG do tập đoàn của ông Nguyễn Hồ Nam giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 49,51%. 

Tổng giám đốc của BCG Land Gateway là bà Lê Thị Mai Loan (SN 1982) – cựu Thành viên BKS của BCG, hiện đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của Tracodi. 

Nỗ lực hồi sinh Amor Garden và Cồn Bắp Hội An

Ở một thương vụ trái phiếu khác, vào cuối tháng 1/2020, BCG Land đã phát hành được 150 tỷ đồng trái phiếu đợt 1 (trên tổng số 300 tỷ đồng trái phiếu) cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã CK: TPB). Số trái phiếu này có kỳ hạn 60 tháng, mức lãi suất năm đầu là 11%/năm. 

Để bảo đảm cho lô trái phiếu này, BCG Land đã sử dụng toàn bộ các quyền tài sản và lợi ích đã, đang và sẽ phát sinh từ dự án Amor Garden. Đồng thời, doanh nghiệp này còn sử dụng cổ phần của CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải (Xuân Phú Hải) và toàn bộ phần vốn góp đang sở hữu tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends (Friends Ltd).Nỗ lực hồi sinh loạt dự án của BCG Land nhìn từ dòng vốn trái phiếu ảnh 3

Phối cảnh dự án Xuân Phú Hải (nay là Amor Garden) dưới thời Xuân Cầu Group – Nguồn: CJSC

Theo dữ liệu của VietTimes, Friends Ltd cũng có nhiều mối liên hệ với BCG, được thành lập ngày 14/1/2020, sau đó 4 ngày đã mua lại 99,99% vốn của Xuân Phú Hải – thành viên của Xuân Cầu Group.

Đến ngày 18/1, bà Phạm Thị Hạnh (SN 1977) đã thay thế ông Tô Dũng (SN 1962) đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT của Xuân Phú Hải. Tới ngày 10/3, doanh nghiệp này tăng mạnh vốn từ 60 tỷ lên 560 tỷ đồng. Về phía BCG, cập nhất tại ngày 3/3/2020, doanh nghiệp này giá trị phần vốn góp vào Xuân Phú Hải là 59,992 tỷ đồng. 

Được biết, Xuân Phú Hải chính là chủ đầu tư tổ hợp nghỉ dưỡng cùng tên quy mô 7ha tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 

Dự án này được rậm rịch khởi công từ cuối tháng 11/2016 nhưng phải tới tháng 6/2019 mới có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Theo đó, dự án có quy mô sử dụng đất là 70.163,7 m2, chia làm 4 khu chức năng chính là khu hỗn hợp, khu biệt thự, khu cây xanh và khu công trình phụ trợ khác. Sau khi về Xuân Phú Hải về với BCG, dự án được đổi tên thành Amor Garden. Việc thu xếp tài chính để phát triển dự án, như đã thấy, được thể hiện rõ nét qua thương vụ trái phiếu của BCG Land vào tháng 1/2020. 

Về Xuân Cầu Group, bên cạnh việc phân phối xe Piaggo của Ý, doanh nghiệp của ông Tô Dũng cũng rót vốn đầu tư vào nhiều dự án bất động sản như: Dự án Xanh Villas (50ha, tại Thạch Thất, Hà Nội), Khu đô thị Phượng Hoàng – Phú Yên, Khu resort Mercure Cát Bà, MP Resort – Phú Quốc, Sân Golf Phượng Hoàng – Phú Yên,… Bên cạnh đó, Xuần Cầu Group còn mở rộng sang lĩnh vực năng lượng với bộ đôi dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 tại Tây Ninh (hợp tác với Tập đoàn B. Grimm Power Public của Thái Lan). Hai dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 9.100 tỷ đồng. 

Trên báo cáo tài chính Quý 1/2020, BCG còn ghi nhận khoản đầu tư 285 tỷ đồng vào Công ty TNHH Du lịch Sinh Thái Cồn Bắp – chủ đầu tư dự án cùng tên quy mô 24ha tại phường Cẩm Nam, thành phố Hội An. Dự án này còn được biết tới với tên gọi Ana Mandara Hội An.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH Du lịch Sinh Thái Cồn Bắp được thành lập từ tháng 9/2008, đăng ký trụ sở chính tại Cồn Bắp, phường Cẩm Nam, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cập nhật tới tháng 6/2018, doanh nghiệp này có quy mô vốn 30 tỷ đồng, trong đó, các pháp nhân như CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) và Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Phước Tiến sở hữu lần lượt 40,21% và 40,859% vốn điều lệ. 

Sau khi NVT thoái vốn vì những khó khăn tài chính, cơ cấu cổ đông của Du lịch Sinh Thái Cồn Bắp có nhiều biến động trước khi lượng lớn cổ phần được thành viên của BCG thâu tóm. 

Trong giai đoạn từ 28/11 – 14/12/2019, BCG Land đã sử dụng phần vốn góp tại Du lịch Sinh Thái Cồn Bắp và các cổ phần BCG, TCD làm tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu 375 tỷ đồng. Số trái phiếu này có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 11,5%/năm. Bảo Việt Bank là đại lý quản lý tài sản bảo đảm.

Ngoài các dự án kể trên, BCG Land còn thâu tóm nhiều dự án bất động sản khác.

Ngày 4/4/2018, BCG Land công bố việc sở hữu hữu dự án King Crown Village Thảo Điền tại đường Nguyễn Văn Hưởng, Phường Thảo Điền, Quận 2, Tp. HCM. Quy mô dự án bao gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa nhà cao 22 tầng, được xây dựng trên khu đất rộng hơn 9.000 m2 . Tổng mức đầu tư là 2.055 tỷ đồng.

Tới Quý 3/2018, BCG Land tiếp tục nhận chuyển nhượng dự án Radisson Blu Hội An (tiền thân là Dự án khu nghỉ mát và dịch vụ du lịch giải trí Malibu) tại Quảng Nam với tổng giá trị chuyển nhượng là 337 tỷ đồng. Dự án này được xây dựng tại thôn 1, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, quy mô hơn 10 ha.

Giũa năm 2019, BCG Land cùng Công ty TNHH Thành Đạt ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác kinh doanh cho Dự án xây dựng và khai thác kinh doanh khách sạn – căn hộ tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa./.


Riêng lẻ

Đại gia Lê Thành “mộng” gì với Tập đoàn Tân Mai?

Là Viện trưởng Viên Kinh tế Xanh, việc ông Lê Thành trở thành Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group) được kỳ vọng sẽ giúp hồi sinh lĩnh vực truyền thống sản xuất giấy của tập đoàn này. Song, sẽ không khỏi băn khoăn nếu biết rằng ông Thành không nhận được sự tín nhiệm từ Tổng Công ty Giấy Việt Nam.

Ngày 14/12/2019, CTCP Đồng Nai (Codona) cùng loạt cá nhân có liên quan đã bán ra toàn bộ số cổ phiếu đang nắm giữ, triệt thoái toàn bộ số cổ phần chi phối tại CTCP Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group).

Chủ mới của Tân Mai Group nhanh chóng xuất hiện, đó chính là ông Lê Thành (SN 1974). Cụ thể, ông Thành đã mua vào hơn 55 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 61,74% vốn điều lệ của Tân Mai Group. Trước đó, ông Thành không nắm giữ cổ phiếu nào của tập đoàn này. 

Tới ngày 16/1/2020, chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tân Mai Group đã được chuyển giao từ ông Trần Đức Thịnh sang ông Lê Thành. Kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông cho thấy, đã có 30 phiếu bầu đại diện cho 62,5 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm tỷ lệ 70,2% vốn Tân Mai Group, đã tán thành việc bầu ông Lê Thành làm Thành viên HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐQT Tân Mai Group. 

Ở một chi tiết đáng chú ý, trong số các phiếu bầu không đồng ý, có Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Cổ đông Nhà nước, hiện nắm 22,73% vốn của Tân Mai Group, hẳn vẫn có điều gì băn khoăn với vị tân Chủ tịch HĐQT Tân Mai Group… Đại gia Lê Thành “mộng” gì với Tập đoàn Tân Mai? ảnh 1

Ông Lê Thành phát biểu tại một sự kiện (Nguồn: Báo Công thương)

Mối cộng tác với ông chủ Xuân Cầu Holding

Trong bản cung cấp thông tin gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Lê Thành chỉ cho biết đang nắm giữ “ghế” Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh. Dường như ông Thành đã hơi khiêm tốn, khi không liệt kê sự nghiệp kinh doanh khá ấn tượng của mình. 

Vị doanh nhân SN 1974 là cựu Thành viên HĐQT, từng sở hữu 12,8% vốn điều lệ của CTCP Tổng Công ty Xây dựng số 1 (Mã CK: CC1). Hiện, ông Thành còn đứng tên ở chục pháp nhân khác, trong đó, nổi bật là 2 cái tên: CTCP Đầu tư Kết nối xanh (Green Connection Invest) và CTCP Đầu tư Nhà quản lý (Manager Invest). 

Theo tìm hiểu của VietTimes, Green Connection Invest được thành lập từ tháng 1/2017, với quy mô vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Lê Thành (góp 17,5 tỷ đồng, sở hữu 35% VĐL), ông Tô Dũng (góp 17,5 tỷ đồng, sở hữu 35% VĐL) và ông Phạm Ngô Quốc Thắng (góp 15 tỷ đồng, sở hữu 30% VĐL). Cơ cấu cổ đông vẫn được duy trì cho tới nay.

Ông Tô Dũng (SN 1962) hiện là Chủ tịch HĐQT của Manager Invest, nơi ông Lê Thành đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc. Ông Dũng là một doanh nhân kỳ cựu, với đế chế kinh doanh đáng nể mang tên Xuân Cầu Holding.Đại gia Lê Thành “mộng” gì với Tập đoàn Tân Mai? ảnh 2

Ông Tô Dũng – Chủ tịch Xuân Cầu Holding

Tập đoàn của ông Tô Dũng nổi lên trong vai trò nhà phân phối dòng xe Piaggo của Ý tại Việt Nam và cũng là một “tay chơi” đáng nể trong lĩnh vực bất động sản.

Được biết, Xuân Cầu Holding đã rót vốn đầu tư vào nhiều dự án đình đám như: Dự án Xanh Villas (50 ha, tại Thạch Thất, Hà Nội), Khu đô thị Phượng Hoàng – Phú Yên, Khu resort Mercure Cát Bà, MP Resort – Phú Quốc, Sân Golf Phượng Hoàng – Phú Yên. 

Trở lại với Tân Mai Group, như VietTimes từng đề cập, doanh nghiệp này cũng tích cực tham gia đầu tư vào lĩnh vực bất động sản theo công thức liên doanh 30 – 70. Song, nhiều dự án địa ốc đến nay vẫn chưa thể thành hình. 

Tân Mai Group đang sở hữu và quản lý 30.846,22 ha đất rừng ở Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và hàng triệu m2 đất nhà máy giấy ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương. Đây đều là những địa phương giàu tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như phong điện, quang điện. 

Sẽ là đáng lưu tâm nếu biết rằng, Xuân Cầu Holding còn có mối quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tập đoàn này hiện đang sở hữu bộ đôi dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 tại Tây Ninh (hợp tác với Tập đoàn B. Grimm Power Public của Thái Lan). Hai dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 9.100 tỷ đồng.

Với mối hợp tác sẵn có với “đại gia” Lê Thành, Xuân Cầu Holding hẳn sẽ có cơ hội phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên quỹ đất của Tân Mai Group – nếu có tham vọng nghiêm túc.

Ngoài các doanh nghiệp đã đề cập, được biết, ông Lê Thành còn đứng tên tại một số pháp nhân như CTCP Codona Thế kỷ 21 (chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Mây); Công ty TNHH Organic Life; CTCP Đầu tư Nông Trường Xanh./.


Riêng lẻ

Cách Xuân Cầu Holding vào dự án 5.000 tỉ đồng Diêm Vân

Công ty TNHH Xuân Cầu có quy mô và kết quả kinh doanh nổi trội so với 2 pháp nhân còn lại trong liên danh nhà đầu tư dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân, tỉnh Bình Định.

Ông Tô Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Xuân Cầu Holding

Ông Tô Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Xuân Cầu Holding 

Cách Xuân Cầu Holding vào dự án 5.000 tỉ đồng Diêm Vân ảnh 1
Cách Xuân Cầu Holding vào dự án 5.000 tỉ đồng Diêm Vân ảnh 2

Cuối tháng 1/2021, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho liên danh CTCP Đầu tư Du lịch Bình Định, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path và Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.

Theo đó, dự án có quy mô khoảng 130ha, với tổng vốn đầu tư là 4.990 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ Quý 4/2020 tới Quý 4/2025.

Phối cảnh dự án khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân, Bình Định

Trong liên danh chủ đầu tư, CTCP Đầu tư Du lịch Bình Định (Du lịch Bình Định) mới được thành lập vào tháng 8/2018, ban đầu đăng ký vốn điều lệ ở mức 300 triệu đồng, với 3 cổ đông sáng lập, bao gồm: ông Đinh Văn Hồng (55%), ông Đoàn Hồng Quang (25%) và ông Thẩm Ngọc Đức (20% VĐL). Các năm 2018 và 2019, công ty này đều trong tình trạng thua lỗ.

Song, bước sang năm 2020, doanh nghiệp này nhiều lần tăng vốn. Tới tháng 6/2020, quy mô vốn điều lệ của Du lịch Bình Định được nâng lên mức 300 tỉ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Tô Duy (SN 1992).

Còn Silk Path đã có hơn 10 năm hoạt động. Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Silk Path ở mức 874 tỉ đồng, cao gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu.

Trong liên danh chủ đầu tư dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân, cái tên còn lại – Công ty TNHH Xuân Cầu (Xuân Cầu) – mới có thực lực đáng nể nhất. Theo đó, Xuân Cầu là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Xuân Cầu Holding của đại gia Tô Dũng.

Xuân Cầu Holding lớn cỡ nào?

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Xuân Cầu (công ty mẹ) không chỉ ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng về tài sản trong giai đoạn 2016 – 2019 mà còn trải qua 3 năm liên tiếp báo lãi. 

Đỉnh điểm là năm 2019, công ty này báo lãi 43,2 tỉ đồng, cao gấp 8 lần so với năm trước. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Xuân Cầu lần lượt đạt mức 3.240 tỉ đồng và 2.167,2 tỉ đồng, tăng mạnh so với cuối năm 2018.

Cập nhật tới tháng 8/2019, Xuân Cầu có quy mô vốn điều lệ ở mức 2.150 tỉ đồng, do 6 cổ đông tham gia góp vốn. 

Trong đó, ông Tô Dũng – sinh năm 1962, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Xuân Cầu – nắm giữ chi phối với tỉ lệ sở hữu lên tới 61,76% vốn điều lệ. Các cổ đông khác chia nhau phần vốn còn lại bao gồm: Tô Thị Thu Hiền (16,15%), Tô Duy (11,1%), Tô Hồ Thu (7,77%), Bùi Quang Hiếu (3%) và Nguyễn Hùng Mạnh (0,22% VĐL).

Ông Tô Duy – người từng đăng ký địa chỉ thường trú trùng với ông Tô Dũng – cũng chính là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Du lịch Bình Định trong liên danh kể trên. 

Tập đoàn Xuân Cầu của ông Tô Dũng nổi lên trong vai trò nhà phân phối dòng xe Piaggio của Ý tại Việt Nam và cũng là một “tay chơi” đáng nể trong lĩnh vực bất động sản.

Vị doanh nhân sinh năm 1962 hiện còn đứng tên tại Công ty Cổ phần Đầu tư Xuân Cầu (Xuân Cầu Invest) – chủ đầu tư dự án biệt thự vườn và thể giao giải trí quy mô 50ha tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội (Dự án Xanh Villas). 

Pháp nhân này đang nắm giữ tới 50,8 triệu cổ phiếu, tương đương 40% vốn điều lệ của Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 (Fico – Mã CK: FIC). Tháng 5/2020, Xuân Cầu Invest đã thế chấp toàn bộ số cổ phần này tại BIDV.Cách Xuân Cầu Holding vào dự án 5.000 tỉ đồng Diêm Vân ảnh 3

Xuân Cầu Holding còn có mối quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tập đoàn này hiện đang sở hữu bộ đôi dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 tại Tây Ninh (hợp tác với Tập đoàn B. Grimm Power Public của Thái Lan). Hai dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 9.100 tỉ đồng. 

Ngoài ra, ông Tô Dũng cũng đang đứng tên tại nhiều doanh nghiệp khác, như: CTCP Năng lượng DT1, CTCP Năng lượng DT3, CTCP Đầu tư du lịch Quốc tế Hoà Bình, CTCP Đầu tư Xuân Cầu Lào Cai, CTCP Đầu tư Xuân Cầu – Lạch Huyện./.


Riêng lẻ

Phác họa Nguyễn Hoàng Group – “ông lớn” giáo dục Việt Nam

Giai đoạn 2017 – 2019, CTCP Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng (NHG) – công ty hạt nhân trong hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng Group – liên tục báo lãi hàng trăm tỉ đồng.

Phác họa Nguyễn Hoàng Group - "ông lớn" giáo dục Việt Nam ảnh 1
Ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Group (Nguồn: Forbes)

Nếu như cách đây hơn chục năm, các trường công lập vẫn là sự lựa chọn ưu tiên số một của hầu hết phụ huynh học sinh, thì những năm gần đây, các trường tư nhân lại dần có được chỗ đứng khi nhu cầu giáo dục chất lượng cao đang ngày một tăng.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân đánh vào mảng giáo dục có thể kể đến như Vingroup, FPT, TTC Group, nhưng họ chỉ xem đây là “nghề tay trái”. Trong khi đó, Tập đoàn Nguyễn Hoàng (Nguyễn Hoàng Group) lại có định hướng chính là trở thành thương hiệu giáo dục uy tín trong khu vực và thế giới.

Từ cửa hàng máy tính đến “ông lớn” giáo dục Việt Nam

Thành lập vào tháng 8/1999 bởi ông Hoàng Quốc Việt (SN 1971), Nguyễn Hoàng Group ban đầu chỉ là một cửa hàng máy tính tại đường Bùi Thị Xuân, quận 1, Tp. HCM.

Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tháng 8/2008, Nguyễn Hoàng Group bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực giáo dục với ngôi trường đầu tiên mang tên Trường Hội nhập Quốc tế iSchool tại Rạch Giá, Kiên Giang. Đây là hệ thống trường đào tạo liên cấp từ mầm non đến phổ thông.

Các năm sau đó, Nguyễn Hoàng Group lần lượt cho ra mắt một số hệ thống giáo dục khác như: Trường song ngữ quốc tế Học viện Anh Quốc – UK Academy (6/2016), Viện Hợp tác Quốc tế và Du học iStudent (12/2016).

Ngoài ra, Nguyễn Hoàng Group cũng tham gia nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực giáo dục, như: tháng 11/2011, đầu tư vào hệ thống Trường Mầm non Quốc tế Saigon Academy (SGA); tháng 5/2015, hoàn tất việc sáp nhập Đại học quốc tế Hồng Bàng (HIU)…

Năm 2016, hệ thống giáo dục của Nguyễn Hoàng Group có thêm 2 thành viên mới là Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU) và Trường Quốc tế Bắc Mỹ – SNA Nam Sài Gòn. Tháng 10/2018, Trường Đại học Gia Định (GDU) và Trường Đại Học Hoa Sen (HSU) cũng gia nhập vào hệ thống của Nguyễn Hoàng Group.

Phác họa Nguyễn Hoàng Group - "ông lớn" giáo dục Việt Nam ảnh 2
Một số đơn vị thành viên thuộc hệ thống giáo dục của Nguyễn Hoàng Group (Nguồn: Internet)

Tháng 3/2018, Nguyễn Hoàng Group khởi công xây dựng Thành phố Giáo dục Quốc tế – International Education City – IEC tại tỉnh Quảng Ngãi với quy mô 10 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Đây là hệ sinh thái giáo dục bao gồm các cấp học từ mầm non đến phổ thông với 3 nhãn trường là SGA, iSchool và UK Academy.

Trong năm 2020, Nguyễn Hoàng Group cũng đặt kế hoạch khởi công xây dựng thêm 4 dự án IEC tại Hải Phòng, Thanh Hoá, Hội An và Đắc Lắk.

Hiện nay, Nguyễn Hoàng Group đang sở hữu hệ sinh thái giáo dục quốc tế, từ mầm non đến tiến sĩ, từ mô hình hội nhập quốc tế, mô hình song ngữ quốc tế đến mô hình quốc tế hoàn toàn, bao gồm 60 cơ sở giáo dục trải dài 24 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tăng trưởng “khủng” của Nguyễn Hoàng Group

CTCP Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng (NHG) được thành lập vào tháng 7/2007, đặt trụ sở chính tại toà nhà iTower, 49 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, Tp. HCM.

Khởi đầu với vốn điều lệ 105 tỉ đồng, NHG có 3 cổ đông sáng lập là ông Hoàng Quốc Việt (nắm giữ 91,43% VĐL), bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo (1,9%) và ông Lê Thanh Huỳnh Cang (0,95%).

Sau nhiều lần nâng vốn, tính đến đầu năm 2019, NHG có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Hoàng Quốc Việt, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo (SN 1979).

Phác họa Nguyễn Hoàng Group - "ông lớn" giáo dục Việt Nam ảnh 3

Tìm hiểu cho thấy, NHG đóng vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái của Nguyễn Hoàng Group, nắm giữ cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp thành viên.

Với cấu trúc tập đoàn như vậy, trong giai đoạn 2017 – 2019, NHG (công ty mẹ) liên tục ghi nhận các khoản lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với doanh thu thuần. Như năm 2017, doanh thu thuần của NHG đạt 47 tỉ đồng, lợi nhuận thuần ở mức 328,9 tỉ đồng.

Năm 2018 và 2019, NHG ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 104,5 tỉ đồng và 91,4 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 361,8 tỉ đồng và 188,6 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 346% và 206%.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của NHG đạt 7.959 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 3.329 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 22% và âm 3,4% so với thời điểm đầu năm.

Ngoài NHG, Tổng giám đốc Hoàng Nguyễn Thu Thảo hiện còn đang đứng tên cho một số pháp nhân khác như CTCP Cơ khí Lâm nghiệp Sài Gòn, CTCP Phước Hạnh Vương, CTCP Giáo dục Bắc Mỹ, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Học đường Quốc tế, CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng và Kinh doanh Bất động sản C.N.C, Công ty TNHH United Kingdom Academy, Công ty TNHH Viện đào tạo Ngôn ngữ Quốc tế, CTCP Giáo dục Quốc tế Saint Mary./.


Riêng lẻ

Peacesoft, Vimo, TopCV, nganluong.vn: Đâu mới là ‘gà đẻ trứng vàng’ cho NextTech Group?

NextTech Group của vị doanh nhân Nguyễn Hoà Bình nổi lên như ‘vườn ươm’ các ‘start-up’, chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần.

Từ trái qua: ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO của NextPay, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NexTech và ông Đỗ Công Diễn - Giám đốc vận hành NextPay.

Năm 2018, Thanh tra NHNN phát hiện vụ việc chuyển thẳng hơn 200.000 nhân dân tệ (tương đương 700 triệu đồng Việt Nam) ra nước ngoài qua hệ thống máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) mà không thông qua bất kỳ hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam.

Theo đó, khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam đã mua bán bằng thẻ nội địa, sử dụng máy POS đưa chui vào Việt Nam để kết nối internet về hệ thống thanh toán Trung Quốc như ứng dụng AliPay, WeChat Pay chứ không phải bằng thẻ thanh toán quốc tế.

Sự việc này đặt ra mối lo ngại về việc lợi dụng công nghệ cao để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia.

Alipay sau đó đã công bố đã ký kết chiến lược với Napas, còn Wechat Pay hợp tác với ví điện tử Vimo để mở đường cho các hoạt động chính thức ở Việt Nam.

Đáng chú ý, ví điện tử Vimo của CTCP Công nghệ Vi mô (Vimo) là đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên cho phép du khách Trung Quốc sử dụng ví điện tử WeChat Pay thanh toán tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu của VietTimes, mối hợp tác này đã góp phần cứu vãn hoạt động kinh doanh cho Vimo.

Peacesoft, Vimo, TopCV, nganluong.vn: Đâu mới là ‘gà đẻ trứng vàng’ cho NextTech Group? ảnh 1

Trong 4 năm gần nhất, doanh thu riêng lẻ của công ty này chạm đáy vào năm 2018, ở mức 67,5 tỉ đồng, chưa bằng một nửa so với năm 2017. Năm 2019, khi lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, doanh thu của Vimo bật lên mức 342,6 tỉ đồng, vượt trội hơn hẳn so với 3 năm trước.

Tuy nhiên, Vimo chỉ duy nhất một lần báo lãi vào năm 2017 (4,2 tỉ đồng). Kinh doanh thua lỗ triền miên, tính đến cuối năm 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của Vimo âm 11,7 tỉ đồng.

NextTech Group

Thành lập từ cuối năm 2013, Vimo là một trong số ít các ‘start-up’ có kết quả kinh doanh nổi bật, được ‘ươm mầm’ trong hệ sinh thái NextTech Group của vị doanh nhân Nguyễn Hoà Bình.

Peacesoft, Vimo, TopCV, nganluong.vn: Đâu mới là ‘gà đẻ trứng vàng’ cho NextTech Group? ảnh 2
Ông Nguyễn Hoà Bình – Chủ tịch NextTech Group

Được biết, vị Chủ tịch sinh năm 1981 của NextTech Group từng đạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực khi còn là sinh viên, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị thông tin tại Đại học Osaka, Nhật Bản. Ông Nguyễn Hoà Bình được truyền thông trong nước miêu tả có khao khát khởi nghiệp khi còn rất trẻ, lập công ty riêng khi mới 19 tuổi, tự chiến đấu xây dựng sự nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh.

Ông Nguyễn Hoà Bình là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Giải pháp phần mềm Hoà Bình (Peacesoft), hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại toà nhà VTC Online, số 18 đường Tam Trinh, Hà Nội – đây cũng là “đại bản doanh” của nhiều công ty trong hệ sinh thái NextTech Group.

Tại ngày 27/11/2018, Peacesoft có quy mô vốn điều lệ 19,39 tỉ đồng. Trong đó, nhóm nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 91,678% vốn, bao gồm: Peacesoft Holdings Ltd (sở hữu 68,11%), ông Nguyễn Hoàng Bảo (Henry Nguyễn) và IDGVV1 (do ông Bảo làm đại diện) sở hữu 23,568% vốn điều lệ.

Về phía các nhà đầu tư trong nước, dữ liệu của VietTimes có ghi nhận sự hiện diện của vợ chồng ông Nguyễn Hoà Bình – Đào Lan Hương, ông Vũ Thành Trung (SN 1960), ông Nguyễn Hữu Tuất (SN 1983) trong vai trò cổ đông của Peacesoft. Riêng ông Vũ Thành Trung còn có liên quan tới Công ty TNHH Dịch vụ nền di động Việt Nam (Vimass).

Đáng chú ý, toàn bộ các cổ đông nói trên từng thế chấp cổ phần của Peacesoft tại Ebay AG International. Hay nói cách khác, Peacesoft tựa như “cánh tay nối dài” của Ebay tại Việt Nam, chứ không đơn thuần chỉ là đối tác của đại gia thương mại điện tử một thời.

Cập nhật tới tháng 6/2020, Peacesoft Holdings Ltd bất ngờ thoái toàn bộ vốn, tỉ lệ sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài tại Peacesoft giảm xuống 23,564%.

Peacesoft, Vimo, TopCV, nganluong.vn: Đâu mới là ‘gà đẻ trứng vàng’ cho NextTech Group? ảnh 3

Điều đáng nói là kết quả kinh doanh của Peacesoft trong 4 năm gần nhất khá khả quan, chỉ báo lỗ 1 lần duy nhất vào năm 2017. Riêng năm 2019, công ty này báo lãi tới 35,4 tỉ đồng, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu lên tới 32,9%.

Thương hiệu NextTech có lẽ xuất phát từ sự phát triển của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ tương lai (NextTech Corp). Doanh nghiệp được vợ chồng doanh nhân Nguyễn Hoà Bình và Đào Lan Hương sáng lập từ tháng 2/2013.

Sau nhiều năm hoạt động, NextTech Corp đổi tên thành CTCP Tập đoàn NextTech (NextTech Group), cơ cấu cổ đông cũng có nhiều thay đổi.

Tính đến tháng 12/2020, ông Nguyễn Hoà Bình và ông Nguyễn Huy Hoàng (cùng địa chỉ thường trú) góp 400 tỉ đồng, sở hữu 80% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của NextTech Group do ông Đào Minh Phú sở hữu.

Về kết quả kinh doanh, trong 4 năm gần nhất, NextTech Group liên tục báo lỗ, kết quả kinh doanh cũng suy giảm rõ rệt. Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của NextTech Group âm tới 12,8 tỉ đồng. Tình trạng kinh doanh thua lỗ có thể kéo dài từ trước đó, bởi từ cuối năm 2016, NextTech Group đã âm vốn chủ sở hữu tới 10,8 tỉ đồng.

Peacesoft, Vimo, TopCV, nganluong.vn: Đâu mới là ‘gà đẻ trứng vàng’ cho NextTech Group? ảnh 4
“Portfolio” của NextTech Group

Nganluong.vn: “Con gà đẻ trứng vàng” cho NextTech Group

NextTech Group cho biết đang sở hữu một “portfolio” các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần. Ngoài những Vimo, Nextpay, Boxme, danh mục của tập đoàn này còn có nganluong.vn và TopCV.

Thành lập vào tháng 1/2016, CTCP TopCV Việt Nam (TopCV Việt Nam) ban đầu có quy mô vốn 100 triệu đồng, sáng lập bởi 3 cổ đông cá nhân là ông Trần Trung Hiếu (70% VĐL), Vũ Nhật Anh (25% VĐL) và Nguyễn Văn Vũ (5% VĐL).

TopCV Việt Nam là đơn vị sở hữu nền tảng tuyển dụng nhân sự cùng tên, có gần 3 triệu thành viên, 95.000 nhà tuyển dụng và 10.000 hồ sơ được cập nhật mỗi ngày. Sở hữu nền tảng việc làm giàu tiềm năng, từ tháng 10/2020, TopCV Việt Nam bắt đầu ghi nhận sự góp mặt của 2 cổ đông có trụ sở tại Hàn Quốc, là TSP Consulting Inc (3,511% VĐL) và Axiom Associates Korea, Inc (1,403% VĐL).

Các năm gần đây, doanh thu của TopCV Việt Nam tăng trưởng tới 2 con số. Nếu như năm 2016, công ty ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 36 triệu đồng, thì năm 2017, TopCV Việt Nam thu về 2,2 tỉ đồng. Doanh thu của công ty tăng gấp 3 lần vào năm 2018, đạt 6,5 tỉ đồng. Bước sang năm 2019, doanh thu của TopCV Việt Nam đạt 15,1 tỉ đồng, cao gấp 2,3 lần so với năm trước. Tuy nhiên, công ty này chỉ báo lãi năm 2018.

Khác với sự ảm đạm của NextTech Group, Vimo, TopCV Việt Nam, CTCP Ngân Lượng (Ngân Lượng) – đơn vị vận hành cổng thanh toán nganluong.vn – có hiệu quả kinh doanh ấn tượng.

Peacesoft, Vimo, TopCV, nganluong.vn: Đâu mới là ‘gà đẻ trứng vàng’ cho NextTech Group? ảnh 5

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh thu của Ngân Lượng liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2016 – 2018. Đỉnh điểm là năm 2018, doanh thu của công ty này đạt mức 1.898,1 tỉ đồng, tăng 19,5% so với năm 2017.

Chịu nhiều áp lực cạnh tranh, trong năm 2019, doanh thu của Ngân Lượng sụt giảm chỉ còn chưa bằng 1/3 năm trước, đạt mức 428,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2019 của công ty này lại tăng vọt, đạt mức 109,5 tỉ đồng, cao gấp 3,4 lần so với năm trước, biên lợi nhuận cũng được cải thiện lên mức 25,5%.

Luỹ kế 4 năm gần nhất, Ngân Lượng mang về cho giới chủ tổng cộng 166 tỉ đồng lợi nhuận.

Thành lập từ tháng 9/2012, Ngân Lượng từng bán 50% vốn cho Mol Accessport AL AND.BHD. Tuy nhiên, đến ngày 21/12/2018, nhà đầu tư đến từ Malaysia đã thoái vốn, thay vào đó là Nganluong Holdings Limited với tỉ lệ sở hữu 50,54% vốn điều lệ.

Nganluong Holdings Limited nắm giữ cổ phần của Ngân Lượng được gần 1,5 năm trước khi triệt thoái vốn vào tháng 6 năm nay.

Tháng 9/2020, tờ Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin cho biết NextPay Holdings có kế hoạch phát hành riêng lẻ để huy động 60 – 100 triệu USD trong Quý 1/2021, trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2022.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, đồng sáng lập và CEO Next Pay cho biết công ty đang tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược và tổ chức của nước ngoài để phát hành riêng lẻ khoảng 20% cổ phần. Công ty đang đàm phán với 5 nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

NextPay là kết quả của sự hợp nhất giữa Vimo và mPOS – những thành viên trong ‘vườn ươm’ NexTech Group.

Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Nextpay Việt Nam được thành lập vào tháng 9/2018, tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Hữu Bình. Các cổ đông sáng lập của Nextpay Việt Nam là ông Nguyễn Hữu Tuất (30% VĐL) và ông Nguyễn Hoà Bình (70% VĐL). Trong khi đó, ông Đỗ Công Diễn (SN 1981) làm Giám đốc điều hành.

Tháng 6/2020, ông Nguyễn Hoà Bình còn thành lập Công ty TNHH Ngân Lượng Holding Việt Nam. Tuy nhiên không loại trừ khả năng, vị doanh nhân sinh năm 1981 chỉ đứng tên hộ cho nhà đầu tư nước ngoài tại pháp nhân này./.


Riêng lẻ

Những Gapo, Tima, BeatVN, GameTV của G-Group làm ăn ra sao?

Đa số các công ty thành viên trong hệ sinh thái của G-Group như Gapo, Tima, BeatVN, GameTV… đều báo lỗ các năm gần đây.

Những Gapo, Tima, BeatVN, GameTV của G-Group làm ăn ra sao? (Nguồn: Internet)

Những Gapo, Tima, BeatVN, GameTV của G-Group làm ăn ra sao? (Nguồn: Internet)

CTCP Tập đoàn G (G-Group) là tập đoàn công nghệ được thành lập vào năm 2016 với hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ và tài chính, với hệ sinh thái 8 công ty thành viên gồm: Gapo, Tima, Gpay, G- Innovations, BeatVN, GameTV, VSEC và G-Capital.

Theo tìm hiểu của VietTimes, G-Group tiền thân là CTCP Tập đoàn Gplay, trụ sở chính đặt tại toà nhà N01A Golden Land, 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Khởi đầu với vốn điều lệ 30 tỉ đồng, G-Group có 4 cổ đông sáng lập là ông Phùng Anh Tuấn (nắm giữ 87% VĐL), ông Bùi Tiến Thành (5%), ông Tô Đại Hoàng (5%) và ông Nguyễn Minh Đức (3%).

Tháng 8/2018, G-Group nâng vốn điều lệ lên 60 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông có sự thay đổi lớn khi ông Phùng Anh Tuấn đã thoái hết vốn. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông cá nhân còn lại cùng tăng thêm 1%, lần lượt là 6%, 6% và 4% vốn điều lệ.

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Phùng Anh Tú (SN 1988) – cùng địa chỉ thường trú với ông Phùng Anh Tuấn (SN 1984).

Trước khi G-Group ra đời, ông Phùng Anh Tuấn được nhiều người biết đến với vai trò người điều hành F88, chuỗi cửa hiệu cầm đồ đầu tiên tại Việt Nam.

Được biết, F88 cũng từng là thành viên trong hệ sinh thái của G-Group. Tuy nhiên, cuối tháng 7/2019, trên trang chủ của G-Group không còn hiển thị thông tin về F88 trong mục “Hệ sinh thái”, đồng thời thông tin về ông Phùng Anh Tuấn với chức danh Chủ tịch HĐQT cũng không còn trong mục “Ban điều hành”.

Những Gapo, Tima, BeatVN, GameTV của G-Group làm ăn ra sao? ảnh 1

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, từ khi thành lập đến nay, G-Group chưa từng báo lãi. Như năm 2016 và 2017, công ty này ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 444 triệu đồng và 6 tỉ đồng, báo lỗ thuần ở mức 1 tỉ đồng và 720 triệu đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của G-Group đạt 32,6 tỉ đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm trước; lỗ thuần cũng tăng lên 5,3 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 1,88 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của G-Group đạt 239,6 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 152,1 tỉ đồng, lần lượt tăng gấp 4 lần và 2,7 lần so với thời điểm đầu năm.

Tương tự G-Group, các công ty thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn này cũng có kết quả kinh doanh khá tương đồng, chủ yếu báo lỗ.

Những Gapo, Tima, BeatVN, GameTV của G-Group làm ăn ra sao? ảnh 2
Các thành viên trong hệ sinh thái của G-Group (Nguồn: G-Group)

Hệ sinh thái G-Group làm ăn thế nào?

Tháng 7/2019, mạng xã hội Gapo chính thức được ra mắt bởi CTCP Công nghệ Gapo (Gapo). Đáng chú ý, ngay trong lễ ra mắt, Gapo đã nhận được cam kết rót vốn lên tới 500 tỉ đồng từ G-Capital – một quỹ đầu tư thuộc hệ sinh thái của G-Group.

Gapo có vốn điều lệ 10 tỉ đồng, trong đó G-Group góp 3,5 tỉ đồng, tương đương sở hữu 35% vốn. 2 cổ đông còn lại là CTCP Giải pháp Công nghệ cao Việt Sifo (35%) và ông Hà Trung Kiên (30%).

Năm 2019, Gapo không phát sinh doanh thu, cùng đó báo lỗ thuần ở mức 32,1 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Gapo đạt 20,78 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức âm 25,6 tỉ đồng.

Cập nhật đến cuối tháng 7/2020, Gapo nâng vốn điều lệ lên 100 tỉ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Hà Trung Kiên (SN 1986). Được biết, ông Kiên còn là người đại diện của CTCP 2Give (đã ngừng hoạt động), CTCP Thanh toán G (Gpay).

Gpay hoạt động trong lĩnh vực tài chính di động, cung cấp ứng dụng chuyển tiền nhanh 24/7 – ứng dụng đầu tiên triển khai mô hình ATM di động (tương tự mô hình Uber for cash – Sharing Economy).

Thành lập vào tháng 3/2018 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỉ đồng, Gpay có 3 cổ đông sáng lập là G-Group (nắm giữ 89% VĐL), ông Hà Trung Kiên (10%) và ông Phùng Anh Tú (1%) – Tổng giám đốc G-Group.

Tháng 4/2020, Gpay được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số 37/GP-NHNN. Hiện nay, Gpay cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán, thu chi hộ…

Về kết quả kinh doanh, năm 2019, Gpay ghi nhận doanh thu thuần đạt 1,1 tỉ đồng, báo lỗ thuần ở mức 5 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Gpay đạt 43,8 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 42,8 tỉ đồng.

Cũng trong lĩnh vực tài chính công nghệ, hệ sinh thái G-Group còn có sự góp mặt của CTCP Tập đoàn Tima (Tima) – nhà cung cấp nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam.

Tham gia vào thị trường từ năm 2015 với số vốn đầu tư ban đầu 150 tỉ đồng, tháng 6/2016, Tima bắt đầu triển khai dịch vụ tư vấn và kết nối tài chính, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính trên toàn quốc. Đến nay, Tima đã gọi thành công 3 triệu USD từ quỹ ngoại Belt Road Capital Management, nâng mức định giá công ty lên đến gần 500 tỉ đồng.

Những Gapo, Tima, BeatVN, GameTV của G-Group làm ăn ra sao? ảnh 3

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, dù doanh thu hàng năm vẫn tăng trưởng mạnh song Tima lại liên tục báo lỗ. Như năm 2016 và 2017, Tima ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 0,2 tỉ đồng và 5,1 tỉ đồng, báo lỗ thuần ở mức 1,1 tỉ đồng và 8 tỉ đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của Tima đạt 41,7 tỉ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2018; lỗ thuần ở mức 25,9 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 15,1 tỉ đồng.

Ngoài các thành viên kể trên, hệ sinh thái của G-Group còn một số công ty khác như CTCP Beat Việt Nam (BeatVN), CTCP Công nghệ GTV Việt Nam (GTV), CTCP An ninh mạng Việt Nam (VSEC), Công ty TNHH G Capital (G-Capital), CTCP G-Innovations Việt Nam (G- Innovations).

Trong đó, BeatVN hoạt động trong lĩnh vực truyền thông giải trí, cung cấp nội dung số mỗi ngày trên các lĩnh vực xã hội, nghệ thuật, thể thao, đời sống giới trẻ. Hiện BeatVN đang sở hữu trang Facebook hơn 1,6 triệu like và channel Youtube cùng tên với gần 300.000 người đăng ký.

Còn GTV, ban đầu có tên gọi là GameTV, được thành lập vào năm 2010, kinh doanh dựa trên tựa game Age of Empires (viết tắt: AoE, còn gọi là Đế Chế tại Việt Nam). Công ty này hoạt động trong lĩnh vực eSports (thể thao điện tử), livestream, đào tạo và phát triển Idols, streamers và phát hành game.

Đặc biệt, GameTV cũng là đơn vị game thủ Chim Sẻ Đi Nắng từng đầu quân.

Những Gapo, Tima, BeatVN, GameTV của G-Group làm ăn ra sao? ảnh 4

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, BeatVN và GameTV chỉ báo lãi duy nhất 1 lần. Cụ thể, năm 2018, BeatVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 7,9 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 1 tỉ đồng. Các năm 2016, 2017 và 2019, công ty này báo lỗ từ 300 – 600 triệu đồng/năm.

Những Gapo, Tima, BeatVN, GameTV của G-Group làm ăn ra sao? ảnh 5

Trong khi đó, GameTV báo lãi duy nhất một lần vào năm 2017 với 1,4 tỉ đồng. Năm 2016 và 2018, công ty này báo lỗ thuần lần lượt 918 triệu đồng và 738 triệu đồng. Đỉnh điểm là năm 2019, lỗ thuần của GameTV ở mức 10,77 tỉ đồng.

CTCP An ninh mạng Việt Nam (VSEC) hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin. Sau hơn 16 năm phát triển, hiện VSEC đang cung cấp những giải pháp an toàn thông tin cùng những sản phẩm công nghệ cao cho thị trường trong và ngoài nước.

CTCP G-Innovations Việt Nam (G-Innovations) là đơn vị nghiên cứu phát triển công nghệ lõi và sản xuất các thiết bị công nghệ cao, iot, là đối tác chiến lược của nhiều công ty công nghệ lớn như Qualcomm, Infineon, Em-tech, IDT, Crucial Tec.

BeatVN được thành lập vào tháng 10/2015 với vốn điều lệ ban đầu 10 tỉ đồng, gồm 5 cổ đông sáng lập là ông Phùng Anh Tuấn (nắm giữ 50% VĐL), ông Đoàn Hải Minh (20%), ông Trương Ngọc Hà Tuấn (10%), ông Hà Trung Kiên (10%) và bà Nguyễn Đắc Trà Ly (10%).

Chủ tịch HĐQT BeatVN là ông Phùng Anh Tuấn, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Đoàn Hải Minh (SN 1985). Ông Minh còn là người đại diện của CTCP Đào tạo và Tư vấn Giáo dục Nguồn Sáng, tuy nhiên pháp nhân này đã ngừng hoạt động./.


Riêng lẻ

Vì sao không phải VinGroup, SunGroup hay BRG, TID mới là cái tên được chọn ở ‘đất vàng’ In Tiến Bộ?

Phát triển với song song hai vai trò nhà thầu lẫn chủ đầu tư dự án, TID Group là doanh nghiệp ít nhiều có tiếng ở Hà Nội.  

835ABC78-3217-4323-B7A0-41E53FCAABEE
Lô đất rộng mênh mông ngay trung tâm Hà Nội của In Tiến Bộ (thời điểm công nhân vừa phá dỡ hàng rào cũ để quây tôn phục vụ thi công)

Chủ mới dự án 175 Nguyễn Thái Học

Tọa lạc tại số 175 Nguyễn Thái Học, trụ sở Nhà in Tiến Bộ đã hằn sâu trong tiềm thức của người dân Thủ đô như một chứng nhân lịch sử.

Lô đất này ban đầu là Trại giam Nhà Tiền – nơi thực dân Pháp giam cầm hàng nghìn chiến sỹ yêu nước trung kiên. Đến tháng 10/1954 (tức 5 tháng sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử), Nhà In Tiến Bộ đã được Uỷ ban Quân quản Thủ đô ưu tiên cho tiếp quản toàn bộ trại giam để cải tạo xây dựng một pháo đài văn hoá. 

Vào tháng 6/2019, Công ty TNHH MTV In Tiến Bộ – đơn vị quản lý lô đất số 175 Nguyễn Thái Học, gây chú ý khi công bố đang tích cực triển khai hợp đồng hợp tác kinh doanh tại khu đất. Theo đó, công ty cho biết trong 6 tháng cuối năm 2019 sẽ hoàn thành việc di dời cơ sở, sớm ổn định sản xuất tại địa điểm mới và triển khai đầu tư tại khu đất 175 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Thời điểm này, công ty đang trong giai đoạn nghiên cứu, lựa chọn đối tác đầu tư để thực hiện dự án theo Thông báo Kết luận số 298-TB/TW ngày 4/1/2010 của Ban bí thư Ban Chấp hành TW Đảng và Thông báo số 39-TB/VPTW ngày 3/12/2012 của Văn phòng Ban Chấp hành TW Đảng.

Trước đó, từ năm 2013, In Tiến Bộ đã nghiên cứu, lựa chọn đối tác đầu tư để thực hiện dự án trên lô đất này với tên gọi Tiến Bộ Plaza, theo Thông báo Kết luận số 298-TB/TW ngày 4/1/2010 của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Thông báo số 39-TB/VPTW ngày 3/12/2012 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 7/2019, đã có một số thông tin cho biết bên hợp tác với In Tiến Bộ là CTCP TID. Một phần bản tin trên website của TID cũng cho hay, doanh nghiệp là nhà phát triển dự án Tiến Bộ City. Dự án có diện tích 31.648 m2, nằm tại khu đất “vàng” 175 Nguyễn Thái Học.

Đây là tổ hợp công trình hỗn hợp khách sạn 5 sao, khách sạn căn hộ, văn phòng (ngoại trừ diện tích 1.000 m2 văn phòng của In Tiến bộ) và trung tâm thương mại, cây xanh, dịch vụ công cộng thuộc Dự án Tiến Bộ Plaza.

Theo nguồn tin, In Tiến Bộ và CTCP TID đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án Tiến Bộ Plaza từ tháng 7/2016 và hiện nay, TID chính là đối tác của In Tiến Bộ để thực hiện siêu dự án này. 

Với vị trí đắc địa nằm ngay bên Quảng trường Ba Đình và các địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Hà Nội như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hồ Tây… lô đất số 175 Nguyễn Thái Học có thể coi là mảnh đất vàng cuối còn sót lại trong lòng Thủ đô.

Không phải những VinGroup, SunGroup hay BRG, mà TID Group mới là cái tên được “chọn mặt gửi vàng” ở dự án Tiến Bộ Plaza không khỏi thu hút sự chú ý của công luận về doanh nghiệp này. 

can-ho-175-nguyen-thai-hoc
Một phối cảnh dự án Tiến Bộ Plaza

Tiềm lực của CTCP TID

Tháng 11/1995, doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Minh (SN 1962) đã cùng các cộng sự thành lập Công ty TNHH Thương mại và Phát triển công nghiệp TID, tiền thân của CTCP TID ngày nay. 

Sau hơn 2 thập niên hình thành và phát triển, vốn điều lệ TID tính đến hết ngày 31/12/2019 đạt 295 tỷ đồng. Hiện, 2 cổ đông sáng lập công ty là ông Nguyễn Quốc Hùng và Nguyễn Quang Hân đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp. Trong khi đó, 2 cổ đông còn lại là Hoàng Hải Yến sở hữu 4,5% và Nguyễn Thị Hồng Minh nắm 10%. Tỷ lệ sở hữu 10% không hẳn đã thể hiện đúng vị thế của bà Hồng Minh, biết rằng vị này còn đảm trách luôn vai trò Chủ tịch HĐQT, trong khi Tổng giám đốc là ông Nguyễn Quang Hân (SN 1962). 

Trước khi bén duyên với lĩnh vực bất động sản, TID nổi danh với mảng kinh doanh sản xuất nhôm, kính và xây lắp kính. Thành lập vào năm 1995 (như đã đề cập), TID gây ấn tượng khi chỉ mất 1 năm để là một trong các đơn vị đầu tiên sử dụng kính cường lực, nhập dây chuyền về để sản xuất (1996). Sau đó, TID là đơn vị tiên phong sử dụng nhôm sơn tĩnh điện – Mayfair (1997), sử dụng kính phản quang (1997) và công ty đầu tiên sản xuất, áp dụng kính laminate, kin dán an toàn (2004),…

Với năng lực sản xuất như vậy, không ngạc nhiên khi TID tham gia nhiều công trình hiện đại làm nên bộ mặt Thủ đô như: Trung tâm xổ số kiến thiết 37 Hàng Bài (1997), Nhà hát lớn Hà Nội (1998), Tòa nhà PVN – Trụ sở tập đoàn Dầu khí Việt Nam (năm 2009), Bảo tàng Hà Nội (2010), Tòa nhà văn phòng Vinaconex (2010),….

Vào năm 2011, mảng kinh doanh sản xuất nhôm, kính và xây lắp kính công ty đã tách ra hoạt động riêng với pháp nhân là CTCP TID Facade. Tính đến hết ngày 1/12/2016, cơ cấu cổ đông TID Facade gồm: CTCP TID (40%), Nguyễn Thị Hồng Minh (32,342%), Bùi Phú Phong (14,992%), Nguyễn Quốc Hùng (4%).

Dựa trên nền tảng được tạo dựng từ TID, TID Facade tiếp tục là tên tuổi nổi bật khi tham gia công trình tòa nhà Quốc Hội (năm 2014) và có nhiều hợp tác kinh doanh với một số doanh nghiệp lớn như: CTCP Xây Dựng Phục Hưng Holdings (2015), Công ty TNHH tập đoàn MIK Group Việt Nam (năm 2016), CTCP Đầu tư Thương mại Richyland Việt Nam (2017), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (2017)…

Không chỉ TID Facade, TID còn sở hữu công ty con là CTCP Kính Glaco, đơn vị sản xuất và cung cấp kính tôi, kính hộp, kính cản nhiệt cho ngành xây dựng, và nắm 2 dây chuyển sản xuất đồng bộ, nhà xưởng có tổng diện tích 1,3 ha tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh (đã đề cập ở trên). Ngoài ra, TID còn nắm CTCP Thang máy TID – đơn vị chuyên cung cấp, lắp đặt và bảo trì thang máy, thang cuốn, hệ thống đỗ xe tự động,….

Đến năm 2015, TID bắt đầu Nam tiến, xây dựng nhà máy tại Long An. Ngoài ra, TID còn sở hữu nhà máy tại Lô C7/2 KCN Quế Võ 1, huyện Quế Võ, Bắc Ninh. 

Sau những thành công trong lĩnh vực truyền thống, TID bắt đầu lấn sân mảng bất động sản với sản phẩm đầu tay là TID Centre tại số 4 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội (2010). Dự án được xây dựng trên tổng diện tích đất 700 m2, diện tích xây dựng 550 m2, gồm 17 tầng nổi và 1 tầng hầm để xe.

Hay đáng chú ý hơn, đó là dự án Tổ hợp căn hộ cao cấp Dolphin Plaza (số 28 Trần Bình, Hà Nội), hoàn thành vào năm 2012. Được biết, dự án khởi công từ năm 2008 với tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô gồm 4 tòa tháp cao 28 tầng. 

TID tính đến tháng 5/2016 góp 30% vốn vào CTCP Đầu tư Xây dựng Phước Hòa Chợ Lớn (nay là CTCP PDC), cùng với các cổ đông khác gồm: CTCP Đầu tư và Thương mại Hồng Phát (30%), CTCP Đầu tư Xây dựng Phước Hòa (10%), Phan Ngô Tống Hưng (10%) và Phan Trung Huy (20%).

PDC tham gia dự án đầu tư, xây dựng Hệ thống điện mặt trời mái nhà, quy mô 319,95 kWp, lắp đặt tại nhà máy CTCP TID Miền Nam – Lô C1, Đường số 5, KCN Phúc Long, Xã Long Hiệp, Huyện Bến Lức, Long An.

Lưu ý rằng, cổ đông lớn nhất nắm 40% vốn CTCP TID Miền Nam là CTCP Điện Biên (nhận chuyển nhượng từ TID vào tháng 1/2016). Tìm hiểu cho thấy, bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch HĐQT TID, từng nắm 80% cổ phần Điện Biên, nhưng đã thoái hết vốn vào tháng 10/2016.

Khá thú vị, bởi Điện Biên là bên phối hợp với TID thực hiện dự án căn hộ cao cấp Dolphin Plaza theo hợp đồng hợp tác kinh doanh tháng 10/2016. Ngoài ra, dù không nắm vốn tại Điện Biên, nhưng bà Minh vẫn là Chủ tịch HĐQT công ty.  

Nhóm TID Group làm ăn ra sao?

Dù sở hữu nhiều dự án là vậy, nhưng hiệu quả kinh doanh của TID (công ty mẹ) không quá ấn tượng.

Theo đó, doanh thu thuần năm 2019 của TID đạt 407 tỷ, tăng 27,2% so với năm 2018. Nếu tính cả giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu thuần công ty tăng trưởng hàng năm 24,5%.

Dù vậy, lãi thuần công ty giai đoạn này lại liên tục suy giảm. Cụ thể, lãi thuần năm 2017 TID là 12 tỷ, nhưng năm 2018 và 2019 chỉ lần lượt còn 3,6 tỷ và 2,4 tỷ đồng. Như vậy, lãi thuần giai đoạn 2017 – 2019 đã giảm 51,6%/năm.

Tương tự, tổng tài sản TID tại ngày 31/12/2019 là 916 tỷ đồng, giảm 26,5% so với số đầu kỳ. Đây cũng là con số thấp nhất của tài sản TID trong 3 năm tài chính trở lại đây. Cấu thành chủ yếu tài sản TID là vốn chủ sở hữu 474 tỷ, chiếm 51,7%.

nhadautu - tinh hinh tai chinh TID

Tương tự, tình hình tài chính của nhóm công ty liên hệ với TID trong năm 2019 cũng không thực sự nổi bật. 

nhadautu - tinh hinh tai chinh nhom cong ty lien quan den TID

Theo đó, ngoại trừ CTCP Tường Kính TID (lãi 1,7 tỷ) và CTCP Điện Biên (lãi 375 triệu đồng), các pháp nhân còn lại là CTCP Thang máy TID (không có lãi), CTCP PDC (lỗ 3 triệu đồng), CTCP TID Miền Nam (lỗ 16,4 tỷ đồng) đều lỗ thuần hoặc không có lợi nhuận.


Riêng lẻ

Không chỉ BIDV, Vietinbank và MBBank cũng bị điều tra về khoản cho vay Công ty Trung Dũng: Ai có dấu hiệu của tội hình sự?

Kết luận điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng” đã hé lộ thông tin đáng chú ý này.

219,8 tỷ đồng không có khả năng thanh toán ở VietinBank

Kết quả điều tra xác định, do có nhu cầu vay vốn để kinh doanh mặt hàng thép thành phẩm, ngày 04/01/2010, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) đề nghị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh Hà Nội cấp giới hạn tín dụng ngắn hạn 190 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh sắt thép.

Ngày 29/01/2010, VietinBank có văn bản số 447/CV-NHCT5 về việc duyệt giới hạn tín dụng đối với Công ty Trung Dũng, nâng giới hạn tín dụng 190 tỷ đồng, nâng hạn mức phán quyết cho VietinBank – Chi nhánh Hà Nội là 150 tỷ đồng/món; Biện pháp bảo đảm tiền vay: Cho vay không có tài sản đảm bảo, áp dụng biện pháp đảm bảo bổ sung là thế chấp quyền sử dụng 19.000m2 đất Hà Nam cấp cho Công ty Hà Nam và cầm cố lô thép.

Trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 09/2011, Công ty Trung Dũng tiếp tục đề nghị VietinBank nâng giới hạn tín dụng để phục vụ nhập khẩu mặt hàng than mỡ, bổ sung vốn lưu động kinh doanh. Cụ thể, ngày 9/4/2011, VietinBank có Công văn số 2261/CV-NHCT5, về việc duyệt giới hạn tín dụng ngắn hạn cho Công ty Trung Dũng là 650 tỷ đồng, trong đó: Từ ngày 9/4/2011 đến ngày 20/7/2011: 650 tỷ đồng (giới hạn cho vay ngắn hạn tối đa là 500 tỷ đồng); Sau từ ngày 20/7/2011 đến ngày 20/9/2011: 610 tỷ đồng (giới hạn cho vay ngắn hạn tối đa 610 tỷ đồng); Sau ngày 20/9/2011 đến ngày 15/4/2012: 500 tỷ đồng (giới hạn cho vay tối đa 500 tỷ đồng); Mục đích cấp giới hạn bổ sung: nhập khẩu lô than mỡ; Biện pháp bảo đảm: Lô than mỡ hình thành từ vốn vay.

Ngày 30/9/2011, VietinBank có văn bản số 7333/CV-NHCT5 về việc kéo dài thời hạn duy trì giới hạn tín dụng 610 tỷ đồng năm 2011 của Công ty Trung Dũng đến ngày 30/10/2011; từ ngày 31/10/2011 đến ngày 15/4/2012, giới hạn tín dụng sẽ giảm còn 500 tỷ đồng.

Trên cơ sở giới hạn tín dụng được cấp, VietinBank – Chi nhánh Hà Nội giải ngân cho vay bằng các khoản vay từng lần. Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2012, VietinBank – Chi nhánh Hà Nội đã thực hiện cho vay  từng lần, bảo lãnh thanh toán để Công ty Trung Dũng mua thép thành phẩm của Công ty TISCO, mở L/C nhập khẩu than mỡ. Tính đến ngày 31/12/2018, Công ty Trung Dũng còn dư nợ của 03 khoản vay, với tổng số tiền gốc là 114,4 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn là 105,4 tỷ đồng, tổng cộng là 219,8 tỷ đồng, đến nay không có khả năng thanh toán.Không chỉ BIDV, Vietinbank và MBBank cũng bị điều tra về khoản cho vay Công ty Trung Dũng: Ai có dấu hiệu của tội hình sự? ảnh 1

Sai phạm của một số cán bộ VietinBank – Chi nhánh Hà Nội và Hội sở, được Cơ quan điều tra đánh giá, là có dấu hiệu của tội hình sự. (Ảnh: trụ sở VietinBank – Chi nhánh Hà Nội).

“Hậu quả thiệt hại: Hiện Công ty Trung Dũng không có khả năng tài chính để trả nợ, không có tài sản để đảm bảo cho khoản vay, nên VietinBank không thu được nợ gốc 114.441.017.335 đồng đối với 02 khoản vay ngắn hạn và 01 khoản vay bắt bộc để thanh toán L/C” – Kết luận viết.

Cơ quan điều tra xác định trong quá trình cho vay, VietinBank có một số sai phạm.

Cụ thể: “+ Đối với 02 khoản vay ngắn hạn: Việc đề xuất cấp giới hạn tín dụng không có bảo đảm chưa đúng quy định (thiếu chỉ tiêu tài chính); Dư nợ gốc hiện nay là 48,85 tỷ đồng. Quá trình quản lý sau vay, các cán bộ của VietinBank – Chi nhánh Hà Nội không quản lý được dòng tiền thu về, dẫn đến không thu đủ nợ, hành vi này của cán bộ Chi nhánh có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” quy định tại Điều 179 BLHS năm 2015.

+ Đối với khoản L/C: Dư nợ gốc hiện nay là 65,59 tỷ đồng;

* Trong việc cấp tín dụng không có tài sản đảm bảo: Tại thời điểm đề xuất cấp giới hạn tín dụng không có bảo đảm, báo cáo tài chính của Công ty Trung Dũng thể hiện một số chỉ tiêu về tài chính không đủ theo quy định gồm: hệ số tài trợ <20%; hệ số ngắn hạn <1; ROE<5%, báo cáo tài chính chưa có kiểm toán; Đồng thời việc cấp giới hạn tín dụng không có bảo đảm vượt thẩm quyền quyết định của Chi nhánh… Là người được giao cấp thẩm quyền quyết định cấp tín dụng, HĐTD Hội sở chính đã đồng ý cấp tín dụng khi khách hàng không đủ các điều kiện về khả năng tài chính của Vietinbank, dẫn đến hiện nay Vietinbank không thu được nợ của khách hàng nên họ phải chịu trách nhiệm liên đới với hậu quả này.

* Trong việc quản lý dòng tiền: Khi phát hành L/C, Hội sở chính Vietinbank yêu cầu Chi nhánh “Đề nghị Công ty Trung Dũng thỏa thuận với Công ty TISCO về điều khoản thanh toán trong hợp đồng mua bán than mỡ các nội dung: (i) Thanh toán ngay sau mỗi đợt giao hàng, không áp dụng thanh toán bù trừ, (ii) Trường hợp thanh toán trả chậm yêu cầu phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng đối với phần trả chậm”. Chi nhánh đã không thực hiện được nội dung này… Vietinbank phải giải ngân bắt buộc, đến nay không thu được 65 tỷ đồng.

Sai phạm của cán bộ Chi nhánh có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 206 BLHS năm 2015; Các cán bộ tại Hội sở chính chịu trách nhiệm liên đới trong việc cấp giới hạn tín dụng để Chi nhánh phát hành L/C, có dấu hiệu của tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”quy định tại Điều 179 BLHS năm 2015.””

Theo cơ quan điều tra, vì đây là nội dung điều tra mở rộng không nằm trong vụ án xảy ra tại BIDV và Công ty Trung Dũng; Do thời gian điều tra đã hết, hiện nay chưa thu thập đủ tài liệu chứng cứ để đánh giá và kết luận, nên tiếp tục điều tra làm rõ kết luận và xử lý sauKhông chỉ BIDV, Vietinbank và MBBank cũng bị điều tra về khoản cho vay Công ty Trung Dũng: Ai có dấu hiệu của tội hình sự? ảnh 2

Cơ quan điều tra “thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cho vay” của MBBank với Công ty Trung Dũng.

 “MBBank không có khả năng thu hồi khoản nợ 477,82 tỷ đồng”

Cơ quan điều tra xác định, ngày 21/03/2011, ông Đoàn Hùng Dũng đại diện Công ty Trung Dũng và ông Nguyễn Hải đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) – Chi nhánh Long Biên đã ký hợp đồng tín dụng số 29.11.066.899998.TD với nội dung cơ bản như sau: hạn mức cam kết tối đa là 300 tỷ đồng; giá trị hạn mức bảo lãnh tối đa là 200 tỷ đồng; Mục đích để tài trợ vốn lưu động, mở L/C nhập khẩu để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2011 các mặt hàng thép, phôi thép, các loại than; Thời hạn hợp đồng đến hết ngày 31/12/2012.

Tài sản thế chấp cho hạn mức là: (1) Quyền đòi nợ phát sinh theo Hợp đồng kinh tế số 02/2011/HĐMB-TD giữa Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam; trị giá 65 tỷ đồng; (2) Quyền đòi nợ phát sinh bảng đối chiếu công nợ tháng 10/2011 giữa Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam, trị giá 607 tỷ đồng.

Sau đó, trong các ngày từ 01/08/2011 đến 30/9/2011, MBBank đã thực hiện giải ngân theo 06 khế ước nhận nợ, với tổng số tiền là 246 tỷ đồng. Tổng dư nợ tạm tính đến 04/4/2019 là 477,82 tỷ đồng. “Hiện nay Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ đối với khoản vay này” – Kết luận viết.

Bên cạnh khoản cho vay, nên biết, trước đó, vào tháng 9/2009, MBBank còn mua 50 tỷ trái phiếu của Trung Dũng phát hành dưới sự bảo lãnh thanh toán 5 năm của BIDV. Đến tháng 7/2014, BIDV đã thực hiện bảo lãnh thanh toán cho MBBank gốc trái phiếu là 50 tỷ, Công ty Trung Dũng còn nợ MBBank 4,34 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu.

“Kết quả điều tra và các tài liệu do MBBank cung cấp đến nay xác định MBBank không có khả năng thu hồi khoản nợ 477,82 tỷ đồng; các khoản vay còn dư nợ hiện nay không còn tài sản đảm bảo do MBBank nhận tài sản thế chấp là quyền đòi nợ của Công ty Trung Dũng đối với Công ty Hà Nam, với hậu quả như hiện nay, thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cho vay”- cơ quan điều tra nhận xét.

Xét thấy trong trường hợp có hậu quả thiệt hại xảy ra đối với MBBank sẽ ảnh hưởng đến tài sản của Bộ Quốc phòng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển thông tin và tài liệu đến Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền./.


Riêng lẻ

Mùa thu ăn một quả hồng…

Khi bạn hái quả hồng đúng mùa, nó là nguyên liệu tuyệt vời cho cả những câu chuyện dân gian và những món mứt, bánh ngọt ngào đằm thắm.
Mùa thu ăn một quả hồng... - Ảnh 1.

Bức tranh “Chim trên cây hồng” của họa sĩ Nhật Bản

Watanabe Seitei (1851-1918).

Năm 1923, Artemas Ward, tác giả cuốn bách khoa toàn thư về thực phẩm và đồ uống (The Grocer’s Encyclopedia), viết rằng một quả hồng đỉnh cao là “một cục nhăn nheo kỳ lạ của đường đậm đặc treo lơ lửng giữa những chiếc lá đỏ rực của mùa thu”.

Không gì đẹp bằng hình ảnh một cây hồng trong khung cảnh mùa đông, với vẻ đẹp nổi bật như một tia nắng bất chợt trong sương mù sâu thẳm. Những quả hồng cam rực đỏ như những chiếc đèn lồng treo lơ lửng trên không trung, bám vào những cành khô trụi lá. 

Trên mặt đất đầy những lá hồng nâu sẫm quăn queo, những quả hồng quá chín như bùng nổ và rớt xuống, phô lớp thịt quả màu đỏ đậm trong veo, như thể ráng đẹp một lần cuối trong đời.

Tôi đã học bài học đầu tiên về chuyện không biết chờ đợi, khi trèo lên cây hồng và quả quyết hái một quả màu cam rực đỏ, đinh ninh màu sắc ấy là bảo chứng cho vị ngọt ngào. Không hề, quả hồng chưa chín, miệng tôi như bị nhét một trái banh nỉ xù lông gớm ghiếc. 

Vị chát của quả hồng – hay là sự trừng phạt của chất tannin đậm đặc trong đó đối với kẻ vội ăn – khó quên đối với bất kỳ ai. 

Nhưng phần thưởng cho người biết đợi đến đúng lúc cũng vô cùng đáng giá, một quả hồng chín là suối nguồn của mê mẩn, vị ngọt tươm ra theo thớ thịt hồng mềm mại, để lại trong vòm miệng mùi thơm như phảng phất chút vị quế, mát lạnh và mượt mà. 

Còn trái hồng đã được ngâm để khử tannin sẽ mang đến một miếng cắn giòn tan, phần thịt sát hạt tựa miếng thạch dẻo ngọt. Quả hồng không thể để bất cứ ai thất vọng khi thưởng thức nó.

Mùa thu ăn một quả hồng... - Ảnh 2.

Làm hồng khô ở Nhật Bản – Ảnh: Flickr

Những truyền thuyết thú vị

Người Nhật có câu chuyện cổ tích về con khỉ, con cua và quả hồng. Một con khỉ đưa cho một con cua một hạt hồng để đổi lấy một nắm cơm và nghĩ thế là đổi chác rất hời, nhưng khi hạt hồng của con cua nảy mầm và lớn thành một cái cây to đẹp đầy những quả hồng chín mọng đáng yêu, con khỉ vặt trộm sạch đám quả hồng, con cua cố gắng ngăn cản nhưng bị con khỉ ném đám quả hồng xanh vào đến chết. 

Những đứa con của con cua đã kêu gọi sự giúp đỡ của một quả trứng, một miếng tảo bẹ, một con ong và một bộ cối – chày dùng làm bánh mochi để dạy cho con khỉ một bài học. Con khỉ bị quả trứng phát nổ, bị ong đốt, trượt ngã trên tảo bẹ trơn và chết do bộ chày cối rơi xuống. 

Dẫu đạo lý của câu chuyện này khá là phức tạp, người ta vẫn nhớ được rằng quả hồng rất ngon và luôn được ao ước. Và hình như là đừng nên gây sự với những hậu duệ của một con cua.

Ở Hàn Quốc, quả hồng được cho là thứ có thể bảo vệ bạn khỏi loài hổ. Truyện kể là có con hổ đêm đêm mò xuống làng bắt người, một lần nó nghe thấy tiếng một đứa trẻ khóc và mò tới định bắt đứa bé. 

Tới sát nhà, nó nghe thấy người mẹ nói: “Nín đi, quả hồng chín rồi!” và đứa trẻ im bặt. Con hổ nghĩ một quả hồng mà có thể khiến một đứa trẻ nín ngay lập tức thì hẳn là thứ quả dữ dằn và nó bỏ chạy khỏi ngôi làng.

Ở vùng núi Ozarks (Mỹ), người già nói rằng cắt dọc một hạt hồng ra thì có thể dựa vào hình dáng nhân quả để đoán về sự khắc nghiệt của mùa đông tới. 

Nếu phần nhân bên trong hạt có hình chiếc thìa, mùa đông tới sẽ dữ dội và ngập tuyết, nếu hình dạng giống một cái nĩa, sẽ là một mùa đông dễ chịu, còn nếu nó có hình dạng giống một con dao, mùa đông sẽ mang đến những cơn gió lạnh cắt.

Mùa thu ăn một quả hồng... - Ảnh 3.

Một lịch sử chu du

Là thứ quả bản địa của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc và vùng đất thuộc dãy Himalaya ở bắc Ấn, quả hồng đã đi một đường dài sang các xứ nhiệt đới và cận nhiệt đới khác. 

Nó được người Hi Lạp cổ cung kính gọi là “quả của các vị thần” (fruit of the gods), được xưng tụng bằng những cái tên trang trọng: “quả táo của phương Đông”, “ngọn lửa của thần Jupiter”… 

Đầu thế kỷ 14, trong những ghi chép của mình, Marco Polo đã kể về hoạt động buôn bán quả hồng của Trung Quốc theo con đường tơ lụa. 5 thế kỷ sau, khoảng năm 1885, quả hồng tìm đường đến Queensland (Úc) và chưa đầy một thế kỷ sau đó, cây hồng được trồng ở vùng này trong định hướng xuất khẩu.

Cây hồng từ Nhật tới Mỹ năm 1865 theo chân Matthew Calbraith Perry, phó đề đốc hải quân Hoa Kỳ, tới Palestine và Israel quãng năm 1912, rồi đi xa hơn nữa, theo chân người Nhật tới Brazil và những năm 1960 biến những bang Ceará, Pernambuco và Piaui thành những vùng trồng hồng bạt ngàn.

Vào đầu những năm 1960, chỉ có 5 quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý và Brazil có hơn 100ha, sản xuất trên 1.000 tấn mỗi năm. Ngày nay, Trung Quốc chiếm tới 72% tổng sản lượng hồng toàn cầu (khoảng 5,75 triệu tấn) nhưng chỉ xuất khẩu khoảng 10% trong số đó. 

Đứng đầu bảng về xuất khẩu quả hồng hóa ra lại là Tây Ban Nha – nơi năm ngoái sản xuất tới 88% tổng sản lượng hồng 456.000 tấn của toàn châu Âu – và là nhà xuất khẩu hồng hàng đầu thế giới. Tây Ban Nha mở rộng vùng trồng hồng nhanh và lớn nhất với hai giống Rojo Brillante (đỏ tươi) có mùi thơm, hương vị đặc biệt và giống Triumph. 

Những quả hồng Tây Ban Nha thậm chí còn đi xa tới châu Á, Trung Đông và qua Bắc Mỹ. Năm ngoái, nước Nga trở thành nhà nhập khẩu quả hồng lớn nhất thế giới, với phần lớn nguồn cung đến từ nhà xuất khẩu số hai Azerbaijan và nhà xuất khẩu số bốn là Uzbekistan.

Mùa thu ăn một quả hồng... - Ảnh 4.

Sushi lá hồng

Tình yêu quả hồng của người Nhật

Sự tỉ mẩn và tinh tế của người Nhật khiến những quả hồng không chỉ là một món thượng hạng về độ ngon mà còn vì vẻ đẹp. Người Nhật làm cho quả hồng trở nên bội phần quý giá bằng một cách thức đơn giản: giảm số lượng quả và chăm sóc cây hồng tận tụy suốt năm. 

Vào mùa xuân, những cành hồng khô lạnh mùa đông được tỉa cắt, lớp vỏ nhám như da rắn của thân cây được làm sạch, chỉ những nhánh cây lớn được giữ lại. 

Tháng 5, hồng bắt đầu ra hoa và kết trái, mỗi cành chỉ được giữ lại 3-4 quả, rồi sau cùng giữ lại quả duy nhất trên mỗi cành. Đấy là loại hồng có giá 450 USD cho 12 quả tươi. 

Quả hồng được hái bằng tay, gọt vỏ và treo phơi trong nắng gió tự nhiên. Người ta dùng những chiếc chổi tre mềm chải nhẹ quanh quả để làm nổi lên những hạt đường trắng mịn lấm tấm.

Nara – thủ đô chính thức đầu tiên của Nhật Bản được xây dựng cách đây hơn 1.300 năm – được thiên nhiên đặc biệt ưu ái, có những di sản lịch sử kỳ diệu như ngôi đền Todai-ji và Horyu-ji. 

Tại vùng đất là trung tâm lịch sử và tâm linh của Nhật Bản này, những ngôi làng đẹp như tranh vẽ và nhịp sống thuận hòa theo mùa. 

Những vườn hồng ở đây được cả nước Nhật yêu mê đắm, không chỉ vì giống hồng Fuyu quả hình vuông lớn, vỏ mỏng, có hàm lượng tannin thấp, thường để ăn tươi và rất giòn mà còn vì nó cung cấp lá hồng cho món sushi lá hồng nổi tiếng, được gọi là “kaki no ha sushi”.

Hãy mua một hộp nhỏ có chứa 7 miếng sushi lá hồng. Từng miếng cơm nhỏ, phủ một miếng cá thu đậm đà, được gói trong lá hồng. Gói từng miếng trong một chiếc lá giúp việc mang thức ăn đi xa dễ dàng hơn, lá hồng cũng giúp sushi không bị khô, chất tannin trong lá hồng giúp ngăn ngừa ôi thiu. 

Lá hồng làm tăng hương vị đặc trưng của món sushi nên có thể ăn ngay mà không cần thêm nước tương. Khi chưa có tủ lạnh, đó là cách những người dân vùng núi Nara mang thức ăn đi chơi lễ hội. Đó không chỉ là một món hoàn hảo để ăn ngoài trời, đó còn là một tác phẩm nghệ thuật để chiêm ngưỡng và tôn trọng.

acfl0507-recipe (read-only)

Bánh pudding hồng của bếp trưởng Bill Smith

Ở đất Mỹ, người ta ưa làm những món bánh hồng mềm mại thơm tho từ những trái hồng cuối thu thấm đẫm sương giá.

Những phụ nữ da đỏ ở Appalachia Mỹ trộn quả hồng với bột ngô để làm bánh mì, phơi khô đám hạt hồng để ủ làm bia và rượu, đôi khi còn rang hạt lên để làm ra một thức uống hao hao cà phê.

Bếp trưởng Bill Smith của nhà hàng Chapel Hill’s Crook’s Corner (North Carolina, Mỹ) nổi tiếng với món bánh pudding quả hồng, công thức món bánh kỳ diệu ấy đã lan tỏa khắp thế giới trong xêri phim tài liệu A Chef’s Life của Đài truyền hình PBS.


Riêng lẻ

Những dự án dang dở của doanh nghiệp mà Báo Thanh Niên muốn triệt thoái vốn

Không chỉ hoạt động tích cực trong lĩnh vực truyền thông, Thanh Niên Media Corp còn có những khoản đầu tư lớn “ngoài ngành”, mà phần lớn được tập trung cho lĩnh vực bất động sản.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa có thông báo về việc tổ chức bán đấu giá cổ phần của CTCP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên (Thanh Niên Media Corp) do Báo Thanh Niên nắm giữ.

Theo đó, Báo Thanh Niên sẽ thực hiện tổ chức bán đấu giá 4.800.000 cổ phần, tương đương với tỷ lệ sở hữu 11,9%, nhằm triệt thoái vốn tại Thanh Niên Media Corp. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến sẽ diễn ra vào 9h ngày 14/3/2019. 

Với mức giá khởi điểm là 11.350 đồng/cổ phần, Thanh Niên Media Corp đang được định giá ở mức 458 tỷ đồng.

Được biết, Thanh Niên Media Corp được thành lập từ năm 2006, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 10 tỷ đồng. Sau 4 lần tăng vốn, công ty này đã gia tăng quy mô vốn điều lệ lên hơn 40 lần, đạt 403,41 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2018, quy mô tổ chức hoạt động của công ty cũng được mở rộng với 3 chi nhánh, 3 công ty con và 5 công ty liên kết. 

Bên cạnh việc tham gia góp vốn sáng lập, Báo Thanh Niên còn có mối liên hệ khá đặc biệt với Thanh Niên Media Corp. 

Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Thanh Niên Media Corp, ông Nguyễn Công Khế, được biết đến là một trong những người tham gia sáng lập Báo Thanh Niên và đã dành nhiều năm cống hiến tại đây (giai đoạn từ năm 1986 – 2008) với các vai trò: Phó Tổng Biên tập phụ trách chung (Quyền Tổng Biên Tập), Tổng Biên tập. 

Ngoài ra, tính tới tháng 5/2018, ông Nguyễn Công Khế còn trực tiếp nắm giữ hơn 30,3 triệu cổ phần của Thanh Niên Media Corp, tương đương với tỷ lệ sở hữu lên tới 75,13%. Số cổ phần còn lại do Báo Thanh Niên (11,9% vốn điều lệ), các cá nhân và một số doanh nghiệp khác tham gia góp vốn.

Với định hướng phát triển tập trung vào lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện, doanh thu của Thanh Niên Media Corp nhiều năm qua chủ yếu đến từ tiền quảng cáo, tài trợ; bán thành phẩm (in báo, sản phẩm). Doanh thu từ bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và cho thuê văn phòng chiếm thứ yếu.

Trong giai đoạn từ năm 2015 – 2017, kết quả kinh doanh của Thanh Niên Media Corp cũng khá tích cực với việc doanh thu tăng trưởng qua mỗi năm và kết quả kinh doanh có lãi. Năm 2018, công ty đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 187,87 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 6 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, theo kết quả kinh doanh được công bố gần nhất, Thanh Niên Media Corp mới chỉ hoàn thành 45,24% kế hoạch, ghi nhận khoản lỗ trước thuế lũy kế 2,4 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2018.Những dự án dang dở của doanh nghiệp mà Báo Thanh Niên muốn triệt thoái vốn - ảnh 1

“Chuyển hướng” 300 tỷ đồng nguồn vốn từ phát hành thêm

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, Thanh Niên Media Corp còn có những khoản đầu tư lớn “ngoài ngành”, mà phần lớn được tập trung cho lĩnh vực bất động sản. 

Một trong số đó là khoản đầu tư dài hạn vào Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy (dự án Vĩnh Hy) tại tỉnh Ninh Thuận với những động thái xúc tiến được Thanh Niên Media Corp triển khai từ lâu. 

Theo bản công bố thông tin, dự án sẽ được xây dựng trên diện tích 31,65 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến là 600 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công ty sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý vào cuối năm 2015; hoạt động thi công hạ tầng và xây dựng dự án sẽ được diễn ra từ Quý I/2016 đến năm 2018. 

Để có nguồn vốn thực hiện triển khai dự án, vào tháng 9/2014, Đại hội đồng cổ đông công ty này đã thông qua Nghị quyết 02/NQ-HĐQT thông qua việc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn điều lệ từ 103,4 tỷ đồng, lên mức 403,4 tỷ đồng. 

Cụ thể, Thanh Niên Media Corp sẽ thực hiện chào bán 30 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được công ty sử dụng để triển khai thực hiện đầu tư dự án Vĩnh Hy. Đáng chú ý, HĐQT cũng được ủy quyền “điều chỉnh phương án sử dụng số tiền thu được cho phù hợp với tình hình thực tế (nếu cần)”. 

Và theo kết quả được Thanh Niên Media Corp công bố, ông Nguyễn Công Khế (Chủ tịch HĐQT) cũng chính là nhà đầu tư chiến lược đã bỏ ra 300 tỷ đồng “ôm trọn” lô cổ phiếu trên. Thông qua thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của ông Khế tại Thanh Niên Media Corp đã gia tăng đáng kể và trở thành cổ đông sở hữu lượng cổ phần lớn nhất tại công ty.

Tuy nhiên, số tiền thu về từ đợt chào bán dường như đã được “chuyển hướng” sang các khoản đầu tư khác. 

Ngày 31/12/2015, Thanh Niên Media Corp đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với ông Nguyễn Duy Thuận, chuyển cho cá nhân này số tiền 300 tỷ đồng. Theo đó, Thanh Niên Media Corp ủy quyền cho cá nhân này đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào một số công ty, dự án như: CTCP Du lịch Lâm Đồng; Dự án Bicico 31 Hàn Thuyên; Dự án Công viên bảo tộn động vật hoang dã Tây Nguyên. 

Cũng liên quan đến khoản đầu tư này, trong 2 lần kiểm toán gần nhất (BCTC Hợp nhất kiểm toán năm 2017 và BCTC Hợp nhất kiểm toán tháng 6 năm 2018), Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (AASCS) đều đưa ra kết luận kiểm toán ngoại trừ. 

Nguyên nhân là do, tại thời điểm kiểm toán, kiểm toán viên đã “không có đủ bằng chứng, căn cứ xác định tính trung thực và hợp lý của khoản đầu tư này cũng như việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của vấn đề nêu trên đến kết quả hoạt động kinh doanh”. Bên cạnh đó, kết luận kiểm toán cũng cho biết phương án sử dụng vốn thu được từ chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với số tiền 300 tỷ đồng “có sự khác biệt” giữa Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và Hợp đồng hợp tác đầu tư.

Tính tới ngày 30/6/2018, ông Nguyễn Duy Thuận vẫn chưa cung cấp được Báo cáo dự án hợp tác đầu tư cũng như việc phân chia lãi lỗ từ hoạt động đầu tư này.  Những dự án dang dở của doanh nghiệp mà Báo Thanh Niên muốn triệt thoái vốn - ảnh 2Các khoản đầu tư tài chính dài hạn tính đến ngày 30/6/2018 của CTCP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên (Nguồn: Thanh Niên Media Corp)

Những dự án còn dang dở

Quay trở lại với dự án Vĩnh Hy, phải tới năm 2017, dự án này mới hoàn tất thủ tục pháp lý, trình duyệt phương án thiết kế và các thủ tục liên quan để khởi công dự án. 

Đến ngày 13/3/2018, Thanh Niên Media Corp đã thành lập công ty con là Công ty TNHH Thanh Niên Vĩnh Hy (quy mô vốn điều lệ 100 tỷ đồng) với dự định sẽ ủy quyền cho công ty này triển khai dự án. Theo kế hoạch, việc tổ chức khởi công xây dựng sẽ diễn ra vào đầu Quý 3/2018 và quá trình xây dựng dự kiến hoàn tất trong vòng 24 tháng. 

Tuy nhiên, đến ngày 16/10/2018, Phòng đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận đã có thông báo về việc giải thể Công ty TNHH Thanh Niên Vĩnh Hy, với lý do giải thể là: “Không hoạt động nên giải thể doanh nghiệp”. 

Hiện chưa rõ sau khi giải thể doanh nghiệp này, số phận của dự án Vĩnh Hy sẽ ra sao (?!).

Chỉ biết rằng, trước đó không lâu, ngày 21/9/2018, HĐQT Thanh Niên Media Corp đã thông qua nghị quyết về việc góp vốn thành lập CTCP Đầu tư và Du lịch Aminia Vĩnh Hy (Aminia Vĩnh Hy) với quy mô vốn 200 tỷ đồng. 

Trong đó, Thanh Niên Media Corp góp vốn 98 tỷ đồng, chiếm 49% vốn điều lệ. Công ty CP Đầu tư Vietlinks góp vốn 101 tỷ đồng, chiếm 50,5% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Quang Hưng (sinh năm 1976) góp 1 tỷ đồng, chiếm 0,5% vốn điều lệ. 

Ông Nguyễn Công Khế sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Quang Hưng sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc – đại diện pháp luật của Aminia Vĩnh Hy.

Đáng chú ý, công ty này đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận và có ngành nghề kinh doanh chính là: Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.  

Bên cạnh dự án Vĩnh Hy, Thanh Niên Media Corp còn đang thực hiện một dự án bất động sản khác là Dự án Khu nhà ở Báo Thanh Niên (Long Phước Garden) tại Phường Long Phước, Quận 9, TP. HCM. Được biết, dự án này được công ty nhận bàn giao lại từ Công đoàn Báo Thanh Niên theo biên bản thỏa thuận ngày 1/9/2010. 

Sau khi nhận được phê duyệt về quy hoạch chi tiết 1/500, công ty đã ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng dự án cho CTCP Tập Đoàn Trung Nguyên. Tuy nhiên, trong năm 2017, hai bên đã thống nhất ngừng việc chuyển giao dự án. Thanh Niên Media Corp đã thành lập Công ty TNHH Long Phước Gardan và sẽ ủy quyền cho công ty này triển khai dự án. Tính đến ngày 30/6/2018, chi phí đầu tư dự án này được ghi nhận đạt hơn 97,2 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Thanh Niên Media Corp cũng thực hiện hợp tác với Tập đoàn Univergy Việt Nam Holdings nhằm đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam./.


Riêng lẻ

Masterise Group: Sự trỗi dậy của một ‘đế chế’

Việc “dứt tình” với Thảo Điền – thương hiệu đã gây dựng hơn một thập kỷ, để đến với tên gọi mới là dấu hiệu rõ nét về tham vọng trỗi dậy của Masterise Group, hay nói chính xác hơn là nhóm chủ của tập đoàn này.

9004071410445015525996529137521035086659584n-15857262037311186010168-crop-15857262208931516908247
Masteri Thảo Điền (Quận 2, TP.HCM) – dự án làm nên tên tuổi của Masterise Group

Từ Thảo Điền đến Masterise

CTCP Đầu tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment) thành lập vào năm 2007, thành danh với sản phẩm đầu tay là dự án Khu dân cư cao cấp Masteri Thảo Điền (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM). Khi ấy, thương hiệu “Thảo Điền” gắn liền với tên một phường ở quận 2 ít nhiều đã tạo điểm nhấn cho doanh nghiệp trên thị trường địa ốc Sài Thành. Đây cũng là tiền đề để công ty mở rộng thực hiện các dự án khác trong phạm vi TP.HCM như: Masteri An Phú (Quận 2), Masteri Millennium (132 Bến Vân Đồn, quận 4), M-One Sài Gòn (quận 7), hay M-One Gia Định (quận Gò Vấp).

Tháng 11/2019, Thảo Điền Investment đã âm thầm đổi tên thành CTCP Tập đoàn Masterise (Masterise Group) – dịch sang tiếng Việt nôm na là “sự nổi lên của ông chủ”. Việc “dứt tình” với thương hiệu đã gây dựng hơn một thập kỷ, để đến với tên gọi mới là dấu hiệu rõ nét về tham vọng trỗi dậy của Masterise Group, hay nói chính xác hơn là nhóm chủ của tập đoàn này.

Đổi tên, Masterise Group dần xuất hiện với tần suất dày hơn trên truyền thông, tất nhiên là với chiều hướng chủ động. Có lẽ cũng bởi vậy, mà ít người biết rằng từ thời “Thảo Điền”, doanh nghiệp này đã là cái tên đáng chú ý, không chỉ ở phía Nam, và cũng không gói gọn trong mảng địa ốc.

Giai đoạn năm 2016, bộ đôi pháp nhân có liên hệ tới Thảo Điền là CTCP Đầu tư TCO Việt Nam và Techcom Capital đã bỏ không ít công sức với dự án hàng không SkyViet. Và dù chết yểu sau đó khi không nhận được cái gật đầu của cơ quan quản lý, dự án SkyViet đã cho thấy tầm nhìn lẫn tiềm lực đáng gờm của Masterise Group.

Ở Hà Nội, trong 2 năm qua, một số pháp nhân có liên hệ với Masterise đã liên tục mở rộng quỹ đất sạch. Đơn cử, giai đoạn tháng 6/2019 – tháng 8/2019, Công ty TNHH MTV tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO (công ty con của Đầu tư TCO Việt Nam) và Công ty TNHH Bất động sản Minh Tân Hà Nội đã lần lượt nhận chuyển nhượng hơn 34,6 ha đất thuộc Khu đô thị Gia Lâm (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và 37.525 m2 đất thành phần dự án kể trên từ Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm.

Bên cạnh đó, Đầu tư TCO Việt Nam là chủ dự án Vinhomes Thăng Long. Dự án quy mô 24,2 ha, bao gồm 798 căn biệt thự, nhà vườn, nhà liền kề & nhà phố thương mại.

Hay kín tiếng hơn, Masterise Group là đơn vị phát triển dự án Premier Berriver 390 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội của CTCP Đầu tư Xây dựng số 9 Hà Nội (Hanco 9). Dự án khởi công từ năm 2017 và bắt đầu bàn giao nhà từ quý IV/2019. 

Cũng ít ai biết, dự án Vinhomes Mễ Trì quy mô 320.965 m2 (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội) ban đầu thuộc sở hữu của nhóm Masterise Group, cụ thể là thông qua Công ty TNHH Quyền Tinh và các cổ đông liên quan góp vốn vào CTCP Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì. Doanh nghiệp dự án này sau đó được bán lại 100% cho nhóm Vinhomes. 

Dấu ấn Masterise ở Ba Son

Như từng đề cập, Công ty TNHH Đầu tư Minh Huy Land nhận chuyển nhượng từ Alpha King lô HH5-1; lô HH1, HH2 và HH3 do CTCP Đầu tư bất động sản Supreme quản lý, ba lô HH4-1, HH4-2, HH4-3 có chủ mới là CTCP Đầu tư BĐS Elegance.

Minh Huy Land từng hợp tác đầu tư dự án Thảo Điền Masteri với Masterise Group. Ngày 16/10/2019, Minh Huy Land cũng đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với BĐS Supreme. 

Bà Nguyễn Thị Minh Thư – Người đại diện pháp luật và là cổ đông nắm 25% cổ phần Minh Huy Land từng đứng tên nhiều thành viên khác trong hệ sinh thái Masterise Group như Công ty TNHH Quyền Tinh, Công ty TNHH Đầu tư Tường Việt hay CTCP Đầu tư Phát triển Vĩnh Hội.

Không chỉ bất động sản và hàng không, nhóm Thảo Điền cũng không giấu diếm cuộc chơi năng lượng với việc hợp tác cùng Trung Nam Group thành lập CTCP Thủy điện Trung Nam Bác Ái – nay là CTCP Điện gió Trung Nam Gia Lai – Xã Trang. Công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó nhóm cổ đông của Trung Nam Group nắm giữ 50% và nhóm Masterise Group – TCO Việt Nam nắm giữ 50%.

Việc đổi tên thành Masterise Group, không loại trừ là dấu hiệu cho sự trỗi dậy của một tập đoàn đa ngành. Theo tìm hiểu của, song song với động thái đổi tên, một loạt doanh nghiệp “họ” Masterise cũng được thành lập dồn dập trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, với cùng một mức vốn điều lệ là 20 tỷ đồng.

Đơn cử, CTCP Đầu tư Masteri thành lập vào tháng 7/2019, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn và giúp đỡ kinh doanh hoặc dịch vụ lập kế hoạch, tổ chức, hoạt động hiệu quả, thông tin quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp lý). Cơ cấu cổ đông gồm: CTCP Đầu tư Thảo Điền (98%), Nguyễn Thanh Bình (1%) và Phan Thị Ánh Tuyết (1%);

Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes (kinh doanh chính bất động sản) thành lập tháng 11/2019; Công ty TNHH Phân phối Masterise Retail (bán lẻ khác trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Masterise Center (tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại) và Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Masterise Hotels (dịch vụ lưu trú ngắn ngày) cùng được thành lập vào tháng 2/2020; Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Masterise Property (tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất) thành lập tháng 4/2020;…

Một điểm lưu ý khác, vị trí cấp cao ở các công ty này do bà Phan Thị Ánh Tuyết sinh năm 1974)  – Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật Masterise Group, hay ông Trần Quốc Hoài (sinh năm 1977) nắm.

Bí ẩn nhóm chủ Masterise

Chặng đường phát triển của tập đoàn 13 năm tuổi gắn liền với dòng tín dụng từ một nhà băng tư nhân hàng đầu hiện nay.

Mối quan hệ khăng khít đến độ không ít đồn đoán rằng Masterise Group và nhà băng này như “người một nhà”. Tất nhiên, các bên chưa từng lên tiếng khẳng định hay phủ nhận. 

Việc các nhóm chủ nhà băng Việt Nam đầu tư bất động sản là chuyện rất… bình thường, song khác với những Hoa Lâm (VietBank), Him Lam (Lienvietpostbank), Việt Phương (VietABank), Hoàn Cầu (Nam A Bank), Gami (NCB), BRG (SeaBank), Geleximco (ABBank), T&T (SHB)… vốn đầu tư vào ngân hàng sau khi đã có cơ ngơi bất động sản đồ sộ, thì một số ông chủ nhà băng lại quay ra làm địa ốc sau khi đã có chỗ đứng trong giới buôn tiền, chẳng hạn VPBank, OCB, hay sẽ không bất ngờ nếu là tiếp tục là trường hợp của Masterise Group.

Phải khẳng định rằng việc các đại gia ngân hàng đầu tư địa ốc cũng là rất bình thường, miễn là họ tuân thủ các quy định về an toàn tín dụng, với mục đích phát triển lành mạnh cả thị trường địa ốc lẫn ngân hàng. 


Riêng lẻ

Sunshine Group và các công ty thành viên đang làm ăn như thế nào?

Vốn chủ sở hữu vượt mức 17.000 tỷ nhưng lợi nhuận sau thuế của Sunshine Group trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng, giảm hàng chục lần so với nửa cuối năm 2019.

Công ty CP Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group) vừa gửi báo cáo tài chính tóm tắt cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để trình bày một số chỉ tiêu quan trọng của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2020.

Nhà phát triển bất động sản này cho biết lợi nhuận ròng sau thuế công ty thu về trong 6 tháng chỉ đạt trên 13 tỷ đồng, tương đương chưa đến 75 triệu đồng/ngày.

Mức lợi nhuận trên cải thiện đáng kể so với số âm 559 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nếu so với kỳ 6 tháng gần nhất (6 tháng cuối 2019), chỉ tiêu lợi nhuận của Sunshine Group đã giảm hàng chục lần.

Năm 2019, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ ròng 559 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm nhưng kết quả cả năm vẫn đạt mức dương 297 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 3,41%.

Như vậy, mức lợi nhuận mà Sunshine Group thu về được trong nửa cuối năm 2019 lên tới 856 tỷ, cao gấp 66 lần con số nửa đầu năm nay. Số lợi nhuận kỷ lục này vừa bù đắp hết số lỗ kỳ 6 tháng trước vừa giúp báo lãi cả năm 2019 gần 300 tỷ đồng.tỷ đồngCHỈ TIÊU TÀI CHÍNH CỦA SUNSHINE GROUPNguồn: HNXVốn chủ sở hữuNợ phải trảLợi nhuận sau thuế6T20196T2020-10k010k20k30k

Mức lợi nhuận thấp của Sunshine Group nửa đầu năm nay được ghi nhận trong bối cảnh vốn chủ sở hữu của tập đoàn tăng mạnh so với đầu năm và cùng kỳ năm trước.

Đến cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu của công ty này đạt trên 17.025 tỷ đồng, tăng 67% so với tháng 6/2019. Mức tăng tuyệt đối của giá trị vốn chủ sở hữu tập đoàn bất động sản này lên tới hơn 6.800 tỷ.

Lợi nhuận thấp trong khi vốn chủ sở hữu tăng cao, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Sunshine Group nửa đầu năm nay chỉ đạt 0,1%, cải thiện so với mức âm 5,24% cùng kỳ nhưng lại giảm mạnh so với mức 3,41% cuối năm 2019.

Báo cáo này cũng cho biết cùng với việc mở rộng vốn chủ sở hữu, Sunshine Group đã đẩy mạnh hoạt động vay nợ. Số nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán tăng gần 10.000 tỷ đồng. Thời điểm tháng 6/2019, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này vào khoảng 17.000 tỷ đồng.

Đến tháng 6 năm nay, với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đạt 1,57 lần, nợ phải trả của tập đoàn lên tới 26.700 tỷ, tăng 57%. Tổng tài sản tập đoàn cũng tăng tương ứng lên gần 44.000 tỷ đồng.tỷ đồngKQKD 6T2020 MỘT SỐ CÔNG TY THÀNH VIÊN CỦA SUNSHINEGROUPNguồn: HNXLợi nhuận sau thuếSunshine GroupXây dựng Phú ThượngSunshine Marina Nha Tra…Wonderland-5051015

Nếu xét trên thị trường chứng khoán, tổng tài sản nói trên của Sunshine Group hiện chỉ xếp sau 2 “ông lớn” bất động sản đã niêm yết là Vinhomes (225.600 tỷ) và Novaland (98.800 tỷ), vượt mặt hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn như Vincom Retail (38.760 tỷ); FLC (34.300 tỷ); Đất Xanh (21.000 tỷ); Phát Đạt (14.300 tỷ)…

Ngoài kết quả kinh doanh của Sunshine Group, nhiều đơn vị thành viên cũng công bố tình hình tài chính nửa đầu năm 2020.

Trong đó, Công ty CP Sunshine Marina Nha Trang đến cuối tháng 6 có vốn chủ sở hữu đạt 1.488 tỷ đồng, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 4,6 lần và ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 215 triệu đồng.

Công ty CP Bất động sản Wonderland (phát triển các dự án bất động sản tại Ciputra Hà Nội) có vốn chủ sở hữu trên 1.900 tỷ, lỗ sau thuế 88 triệu đồng.

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Thượng (phụ trách dự án Sunshine Riverside gần cầu Nhật Tân) ghi nhận vốn chủ sở hữu 2.711 tỷ và lãi ròng 4 tỷ đồng sau nửa đầu năm nay.


Riêng lẻ

Cổ đông lớn không có trong báo cáo của VietCapital Bank?

Dù công khai rút khỏi VietCapital Bank từ lâu, song hình bóng của “nữ tướng” Trần Thị Lâm vẫn còn rõ nét tại nhà băng mang đậm dấu ấn của 3 “group”: Bản Việt, Trầm Bê và Hoa Lâm.

vietcapital-bank-0009
Trụ sở VietCapital Bank trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM

Lên sàn UpCom từ ngày 9/7, cổ phiếu BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) đang có những diễn biến thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

3 phiên tăng trần liên tiếp giúp BVB tăng tới 70%, từ 10.700 đồng/CP lên 18.200 đồng/CP, với thanh khoản khá cao. Tuy nhiên mã chứng khoán này không duy trì được đà tăng quá lâu khi nhanh chóng giảm sàn trong phiên 14/7 và tiếp đà giảm mạnh 4 phiên sau đó. Cuối phiên giao dịch đầu tuần (20/7), mã BVB giảm 11,7% về còn 11.300 đồng/CP.

Việc BVB sớm lùi về vùng mệnh giá không phải diễn biến quá bất ngờ đối với giới quan sát, căn cứ trên quy mô và hiệu quả kinh doanh của VietCapital Bank, cũng như cấu trúc sở hữu còn mang tới nhiều băn khoăn của nhà băng này.

VietCapital Bank có vốn điều lệ 3.171 tỷ đồng, tổng tài sản tới cuối quý I/2020 là 52.741 tỷ đồng, là một trong những ngân hàng nhỏ ở Việt Nam. Quý đầu năm, VietCapital Bank đạt thu nhập lãi 1.137 tỷ đồng, lãi trước thuế 48 tỷ đồng; chỉ tiêu này trong cả năm 2020 theo kế hoạch là 200 tỷ đồng. Dù cao hơn đáng kể các năm trước, song đây vẫn không phải là kết quả kinh doang mang tới sự hài lòng đối với các cổ đông “không chi phối”, khi EPS dự kiến cả năm chỉ là 630 đồng, không chênh lệch nhiều so với lãi tiền gửi ngân hàng.

Hiệu quả kinh doanh chưa mấy khởi sắc một phần bởi quy mô nguồn lực còn nhiều hạn chế. Mức vốn 3.000 tỷ đồng đã được VietCapital Bank duy trì từ năm 2011, trước khi được tăng nhẹ thêm 171 tỷ đồng trong năm ngoái. Vốn điều lệ xấp xỉ mức pháp định khiến VietCapital Bank khó lòng tăng cường mạnh mẽ tài sản cố định, mở rộng hệ thống cũng như nâng cao chất lượng nhân sự – những yếu tố đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngành buôn tiền đang cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, cổ đông VietCapital Bank đã thông qua phương án phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Chi tiết phương án này không được công bố cho nhà đầu tư; dù vậy, với khoản lãi sau thuế chưa phân phối đến cuối năm ngoái là 390 tỷ đồng, mức vốn tăng thêm chắc hẳn sẽ không quá có ý nghĩa.

Trong khi đó, việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu hay phát hành cho nhà đầu tư chiến lược để tăng mạnh vốn lại không được VietCapital Bank đề cập. Cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho nhà băng này tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng theo phương thức phát hành mới cho cổ đông hiện hữu, tuy nhiên, như đã biết, sau đó chỉ hoàn thành tăng thêm 171 tỷ đồng.

Một nguyên nhân khiến VietCapital Bank khó tăng vốn đã được đề cập trong cách đây không lâu. Cụ thể, tới cuối năm 2018, có 77,56 triệu cổ phần, tương đương 26% vốn VietCapital Bank bị phong toả, 41,7 triệu cổ phần (14% vốn) bị hạn chế chuyển nhượng, lượng cổ phần được chuyển nhượng tự do chỉ là 60%. Cuối năm 2015, tình hình còn “nghiêm trọng” hơn nhiều khi số cổ phần bị phong toả lên tới 147,2 triệu đơn vị, chiếm non nửa vốn VietCapital Bank, số cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng là 5% trong khi số cổ phần chuyển nhượng tự do chỉ là 46%.

Trong bản công bố thông tin tóm tắt phục vụ lên sàn UpCom vừa qua, VietCapital Bank không còn cổ phần bị phong toả, chỉ 26,97% cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng, trong đó ngoại trừ 14,08% cổ phần của HĐQT, BKS, Kế toán trưởng, thì 12,89% còn lại thuộc về CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigonnic).

Saigonnic, cổ đông lớn duy nhất của VietCapital Bank, là pháp nhân có nhiều liên hệ mật thiết tới doanh nhân Trầm Bê.

Saigonnic trở thành cổ đông lớn nhất của VietCapital Bank trong giai đoạn tăng vốn 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng năm 2010-2011, với tỷ lệ tới cuối năm 2011 là 13,62%, cùng Hoa Lâm Group (8,16%), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Tấn Phát – pháp nhân có nhiều liên hệ tới Trần Thái Group – nắm 12,2%. Tổng cộng, ba cổ đông kể trên tới cuối năm 2011 sở hữu 33,98% vốn của VietCapital Bank. Tỷ lệ này có thời điểm lên tới 42,76% (cuối năm 2010).

Khi mà Hoa Lâm Group lẫn Đầu tư Tấn Phát không hiện diện quá lâu, thì Saigonnic vẫn “trụ” lại cùng VietCapital Bank và suốt nhiều năm qua là cổ đông lớn duy nhất của nhà băng này. Tất nhiên, vai trò của Saigonnic ở VietCapital Bank đã không còn là một cổ đông đơn thuần.

Bản công bố thông tin của VietCapital Bank cho biết Saigonnic chỉ được chuyển nhượng cổ phiếu BVB khi có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Dữ liệu của thể hiện toàn bộ cổ phần của Saigonnic ở VietCapital Bank đã được thế chấp tại Sacombank trong giai đoạn 2012-2015, tới nay chưa rõ đã được tất toán hay chưa.

Cổ đông lớn không có trong báo cáo của VietCapital Bank?

Ở một diễn biến mới đây, Công ty TNHH Điền Phát Land vừa công bố phát hành thành công 770 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định năm đầu 10%, các năm sau bằng mức tham chiếu cộng biên độ 2,75%. Bên thu xếp là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank). Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu “khủng” là quyền sử dụng đất tại thửa số 16, tờ bản đồ số 108 (theo tài liệu năm 2006), phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM (giấy chứng nhận số BX 193493), và đáng chú ý, là 20,55 triệu cổ phiếu của VietCapital Bank.

Số cổ phiếu trên tương đương 6,5% vốn VietCapital Bank, dù vậy trong các báo cáo, Điền Phát Land lại không được VietCapital Bank ghi nhận là cổ đông lớn. Tất nhiên, còn đó khả năng 20,55 triệu cổ phần BVB thuộc về một bên thứ ba. 

Trong lúc này, một băn khoăn lớn với giới đầu tư, là Điền Phát Land, hay nói đúng hơn, đứng sau pháp nhân này là ai?

Dữ liệu của thể hiện Điền Phát Land được thành lập cuối năm 2017 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đặt trụ sở tại TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ít tuần sau khi hoạt động, Điền Phát Land đã tham gia góp vốn thành lập CTCP Hong Lim Land (sau này là CTCP NDC An Khang) – chủ đầu tư dự án The Marq tại 29B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM. Cập nhật tới cuối năm 2019, Điền Phát Land sở hữu khoảng 82,3 triệu cổ phần tại NDC An Khang.

Sau nhiều lần đổi chủ, Điền Phát Land lần lượt qua tay bà Dương Bảo Anh (SN 1989), sau đó là ông Đỗ Nhật Anh (SN 1990). Hiện nay, Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Điền Phát Land là bà Đặng Thị Thuỷ – một doanh nhân đến từ Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Các cá nhân nêu trên đều là những mắt xích trong hệ sinh thái Hoa Lâm Group của vợ chồng doanh nhân Trần Thị Lâm – Dương Ngọc Hoà.


Riêng lẻ

Về tình hình tài sản của Sunshine Group

Bản công bố thông tin trái phiếu chào bán Sunshine Group mà một công ty chứng khoán từng công bố đã hé lộ một số thông tin về tình hình tài sản ở Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group) – nhà phát triển địa ốc mới nổi và được xem như bí ẩn lớn nhất đối với thị trường thời gian qua.

 Sunshine Group Đỗ Anh Tuấn sinh năm 1975, tại Thanh Hóa. (Ảnh: Internet)

Sunshine Group Đỗ Anh Tuấn sinh năm 1975, tại Thanh Hóa. (Ảnh: Internet)

Về tình hình tài sản của Sunshine Group - ảnh 1

Tổ chức phát hành – Sunshine Group – có trụ sở chính tại Tầng 43 tòa nhà Keangnam Landmark 72, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, Q. Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội; Vốn điều lệ là 8.500 tỷ đồng.

Một số thông tin tài chính ít ỏi được công bố trong bản chào cho thấy Sunshine Group có một năng lực tài chính khá vững mạnh.

Theo đó, cập nhật đến 31/07/2018, Sunshine Group có tổng tài sản 10.920 tỷ đồng. Với 8.535 tỷ đồng trong đó là vốn chủ sở hữu, có nghĩa, nợ phải trả ở Sunshine Group cùng thời điểm là 2.385 tỷ đồng.

Với hệ số nợ (nợ phải trả/tổng tài sản) tương ứng đạt chưa đầy 22%, chất lượng tài sản của Sunshine Group là khá ấn tượng. Nhất là khi tập đoàn này lại được định vị là một chủ đầu tư địa ốc – ngành kinh doanh thâm dụng vốn, đòi hỏi hệ số đòn bẩy cao.

Và kể cả cho Sunshine Group mới thành lập (ngày 13/4/2016), thời gian hoạt động chưa lâu, thì cơ cấu vốn chủ sở hữu – nợ phải trả ở tập đoàn này cũng là một nét khá “lạ”, theo ý tích cực.

Bởi rằng, danh mục đầu tư của Sunshine Group – theo như bản chào trái phiếu – đã khá dày và đều là những dự án khủng: Sunshine Boulevard (Khuất Duy Tiến – Thanh Xuân – Hà Nội, tổng mức đầu tư: 1.000 tỷ đồng); Sunshine Wonder Villa (KĐT Ciputra – Hà Nội, tổng mức đầu tư: 5.000 tỷ đồng); Sunshine Sky Villa (KĐT Ciputra – Hà Nội, tổng mức đầu tư: 1.800 tỷ đồng); Sunshine Marina Nha Trang Bay (32 Trần Phú – Tp. Nha Trang – Khánh Hòa, tổng mức đầu tư: 8.700 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 7/2018, tổng tài sản của Sunshine Group đạt gần 11.000 tỷ đồng, cho thấy phần lớn các dự án mà tập đoàn này đã công bố đang ở giai đoạn triển khai đầu. 

Chưa kể, mới đây Sunshine Group đã chính thức “Nam tiến”, chào sân thị trường bất động sản Tp. HCM bằng dự án Sunshine City Sài Gòn (Quận 7, Tp. HCM). Dự án rộng 10,3 ha, với tổng vốn đầu tư được cho là có thể lên tới 10.000 tỷ đồng.Như thông tin rò rỉ trên truyền thông, Sunshine City Sài Gòn chỉ là dự án khởi đầu của Sunshine Group tại thị trường địa ốc Tp. HCM. Còn ít nhất hai dự án bất động sản “khủng” khác ở Sài thành mà tập đoàn của ông Đỗ Anh Tuấn đã “để mắt”.

Việc liên tục mở rộng quy mô đầu tư, dĩ nhiên, sẽ dẫn đến nhu cầu về vốn. Sunshine Group cũng không thể nào chỉ trông cậy vào nguồn vốn tự có. Kế hoạch phát hành trái phiếu của Sunshine Group bắt nguồn từ nhu cầu này.

Sunshine Group

Cần lưu ý về quá trình tăng vốn được nhiều thành viên thị trường đánh giá là thần tốc ở Sunshine Group.

Theo đó, pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine, tức Sunshine Group – hiện đã là nhà phát triển bất động sản top đầu ở khu vực phía Bắc – có tuổi đời khá hạn chế: 3 tuổi.

Cụ thể tập đoàn này được thành lập ngày 13/4/2016 tại Hà Nội với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Chưa đầy 3 tháng sau, vốn điều lệ đã tăng gấp 5 lần lên 1.500 tỷ đồng và đến tháng 1/2017 tăng tiếp lên 3.000 tỷ đồng.

Trong năm 2018, Sunshine lại tiếp tục tăng vốn lên 4.500 tỷ vào tháng 1 và 8.500 tỷ đồng vào giữa tháng 7. Cổ đông chính của Sunshine là ông Đỗ Anh Tuấn, góp 6.600 tỷ đồng, tương ứng 77,6% vốn điều lệ.

Tuy Sunshine Group là một doanh nghiệp trẻ, nhưng, nhà sáng lập nó – ông Đỗ Anh Tuấn thì lại là một cái tên có thâm niên trên thương trường. 

Theo các thông tin chia sẻ, ông Tuấn đã khởi nghiệp từ năm 2003, bằng việc tham gia lập doanh nghiệp đầu tiên là Công ty CP Sao Ánh Dương chuyên về lĩnh vực phần mềm và công nghệ thông tin – cũng đúng là ngành mà ông được đào tạo tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội (kỹ sư Công nghệ thông tin).

Có nghĩa, ông Tuấn đã lập và sở hữu công ty đầu tiên ở tuổi 28 – chưa hẳn đã là trẻ so với bối cảnh bây giờ, nhưng lúc ấy – đầu những năm 2000s, quyết định khởi nghiệp của ông Tuấn có thể nói là “dám nghĩ, dám làm”. 

Báo cáo thường niên năm 2016 của Công ty cổ phần Y Dược Phẩm Vimedimex (mã chứng khoán: VMD) – nơi ông Tuấn từng gắn bó một thời gian ngắn trong vai trò Phó Tổng Giám đốc phụ trách bất động sản – cho thấy ông Đỗ Anh Tuấn từ có trải nghiệm nhiều năm trong vai trò của một công chức.

Theo đó, từ năm 1999 đến năm 2003, ông Tuấn là chuyên viên phát triển phần mềm quản lý trong ngành xây dựng – Bộ Xây dựng. Sau đó, ông Tuấn ra ngoài, làm Giám đốc CTCP Công nghệ phần mềm Việt Nam từ năm 2003 đến năm 2005.

Rồi lại trở lại ngạch Nhà nước, làm Trưởng phòng – Phó Tổng biên tập cổng thông tin điện tử Ban thi đua khen thưởng Trung ương từ năm 2005 đến năm 2011. Sau đó, lại rút ra ngoài, từ 2011 đến nay làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Sao Ánh Dương.

Quãng thời gian ngắn gắn bó với VMD trên cương vị Phó Tổng Giám đốc của ông Tuấn kết thúc vào ngày 14/09/2016.

Thời gian này, như đã đề cập, chính là năm Sunshine Group được thành lập. Có lẽ ông Tuấn muốn dồn toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp riêng này của mình, sau những trải nghiệp làm thuê lẫn làm Nhà nước mà vị doanh nhân gốc Thanh Hóa từng bộc bạch: “Tôi không nghĩ là những năm tháng làm việc ở cơ quan Nhà nước lại có thể giúp mình nhiều điều đến vậy.”

Chưa rõ những trải nghiệm công chức đã giúp ông Tuấn cụ thể thế nào trong việc phát triển Sunshine Group. Chỉ biết đến lúc này, chỉ sau rất ít năm thành lập, Sunshine Group đã nổi lên như một tập đoàn địa ốc “khủng” bậc nhất và cũng là “bí ẩn” bậc nhất đối với giới truyền thông và thị trường./.


Riêng lẻ

“Khủng” như AIC Group của viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn

AIC Group tên đầy đủ là CTCP Tiến Bộ Quốc tế. Thành lập năm 2005, quá trình hình thành và phát triển của AIC Group in đậm dấu ấn của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ sáng lập và chi phối tập đoàn này.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch CTCP Tiến Bộ Quốc tế (AIC Group). (Ảnh: Internet)

AIC Group từng nhận được sự chú ý lớn của dư luận khi từng bị ám chỉ như là bên đứng sau đề án 123 (đưa SGK và máy tính bảng vào các trường tiểu học công lập) của Sở Giáo dục và đào tạo TP. Hồ Chí Minh, nhằm mở đường cho gói cung cấp thiết bị giáo dục lên đến nhiều nghìn tỷ đồng. “Không hiểu vì sao lại có thông tin bịa đặt như vậy, và thông tin như vậy để nhằm mục đích gì?”, bà chủ AIC Group lên tiếng bác bỏ tin đồn vô căn cứ.

Câu chuyện sau đó lắng xuống và thực tế thì AIC Group không tham gia một gói thầu nào như vậy. Có chăng chỉ là những gói thầu thiết bị giáo dục ở quy mô vài chục tỷ đồng và cũng ở địa phương khác, chứ không phải Tp. HCM.

Chẳng hạn như năm 2013, AIC trúng gói thầu số 2: “Mua sắm thiết bị phòng học ngoại ngữ các trường THCS, THPT, GDTX, TCCN” thuộc dự án: “Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” có giá trị hợp đồng 40,66 tỷ đồng với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; hay gói thầu “Mua sắm thiết bị tin học và thiết bị phòng học đa năng trang bị cho các trường tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” có giá trị 48,7 tỷ đồng.

Bà chủ AIC Group Nguyễn Thị Thanh Nhàn được biết đến là một nữ doanh nhân giàu tri thức, học rộng, hiểu nhiều.

“Sinh năm 1969 tại Thuận Thành, Bắc Ninh, với mong ước con gái sau này sẽ được sung sướng, an nhàn, mẹ chị đã đặt tên con gái mình là Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Nhưng dường như cuộc đời lại không chiều lòng người, từ nhỏ đến tận bây giờ, Thanh Nhàn vẫn cứ tất bật với công việc.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, gác lại ước mơ làm cô giáo, Nhàn học tiếp Đại học Ngoại ngữ rồi Ngoại thương. Để có kiến thức về quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, thương mại, ngoại ngữ, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã phải học rất nhiều. Với chị, học có thể ở mọi lúc, mọi nơi, những lúc ngồi trên ô tô, trên máy bay… Vì vậy mà bây giờ chị sử dụng thông thạo cả tiếng Anh, Trung, Nga và Nhật” – một tờ báo viết về nữ Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ AIC Group hồi tháng 6/2015.

Những trung tâm điều hành thông minh của AIC Group

Không quá nổi nhưng gần đây, AIC Group vẫn thi thoảng xuất hiện trên truyền thông, chủ yếu được đề cập trong các sự kiện đối ngoại, gặp gỡ của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với lãnh đạo một số địa phương, bộ ngành. Ở đó, AIC Group nổi lên như doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp các thiết bị, giải pháp công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh cho các địa phương, đơn vị.

Chẳng hạn như tại Quảng Ninh, AIC Group của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng ghi dấu với việc đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đại diện cho AIC Group tham gia bấm nút ra mắt Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tại Quảng Ninh (Nguồn: quangninh.gov.vn)

Tháng 9/2019, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tham gia “bấm nút” vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại quê nhà Bắc Ninh. Phần mềm của trung tâm này do AIC Group cung cấp.

Trước đó, bà Nhàn và AIC Group đã có những buổi làm việc với lãnh đạo Hải Dương, Yên Bái, Đồng Nai và nhiều địa phương khác liên quan đến các dự án xây dựng đô thị thông minh.

Nửa đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, AIC Group còn nhanh chóng phát triển phần mềm học trực tuyến có tên gọi AIC Education và ứng dụng y tế “Covid-19” cập nhật thông tin về dịch bệnh. Qua đó, AIC Group nổi lên như là một doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ. Điều ấy đúng một phần.

Tìm hiểu sâu của còn cho thấy độ “khủng” của tập đoàn do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đứng đầu, cũng như những bước tiến âm thầm trong nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế, bất động sản,… Đáng chú ý, khi hoạt động kinh doanh của AIC Group được trải rộng trên phạm vi toàn quốc, cung cấp cả khối tư nhân lẫn khu vực công, với sự hợp tác tích cực của nhiều địa phương, đơn vị. Mà những gói thầu hay hợp đồng được liệt kê dưới đây chỉ là những ví dụ điểm xuyết.

AIC Group “khủng” cỡ nào?

Thành lập từ năm 2005, “hệ sinh thái” của AIC Group tới nay đã mở rộng với hơn chục thành viên, trong đó có thể kể tới một số cái tên như: CTCP BOT Hà Nội Xanh, CTCP Bất động sản AIC, CTCP Nguồn nhân lực quốc tế Việt Nam, CTCP Công nghệ thông tin bền vững, CTCP LMS Việt Nam, CTCP Môi trường tổng hợp MTH,…

Là doanh nghiệp lõi trong “hệ sinh thái”, dữ liệu của VietTimes cho thấy, AIC Group các năm gần nhất liên tục ghi nhận mức doanh thu nhiều nghìn tỷ đồng, cùng kết quả kinh doanh đầy ấn tượng.

Trong giai đoạn 2016 – 2018, doanh thu của AIC Group tăng mạnh từ 4.422,9 tỷ đồng lên mức 6.075 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này cũng được cải thiện qua từng năm, tăng từ 94,3 tỷ đồng lên 144,6 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2018, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của AIC Group lần lượt đạt 5.243,1 tỷ đồng và 1.251,5 tỷ đồng.

Cập nhật tới tháng 9/2020, AIC Group có quy mô vốn điều lệ ở mức 1.350 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn góp 765,23 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối với 76,5% vốn điều lệ. Tiếp đến là bà Trương Thị Xuân Loan và Lê Thị Hồng Ly với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 13,1% và 5,9%. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của AIC Group là ông Nguyễn Hồng Sơn (SN 1970).

Những thương vụ kín tiếng của AIC Group

Theo tìm hiểu của VietTimes, trong lĩnh vực giáo dục, AIC Group trúng nhiều gói thầu liên quan đến việc cung cấp thiết bị dạy học, các khóa đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.

Riêng tại Bắc Ninh, ngoài gói thầu nêu ở phần đầu bài viết, AIC Group sau đó còn trúng tiếp các gói thầu “Mua sắm thiết bị tin học trang bị cho 26 trường Tiểu học và 19 trường THCS thuộc các huyện, thị xã, thành phố” (10,28 tỷ đồng); “Mua sắm phòng học ngoại ngữ trang bị cho 67 trường THCS và 23 trường THPT công lập thuộc các huyện, thị xã, thành phố” (37,44 tỷ đồng).

Tháng 8/2018, AIC Group ký hợp đồng với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh thuê 13 giáo viên quốc tịch Philippines về tham gia giảng dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Đối với lĩnh vực y tế, AIC Group (cùng đối tác thân quen Công ty TNHH Công nghệ Chuwa) là đơn vị cung cấp trang thiết bị cho các nhà thầu y tế, thậm chí trực tiếp tham gia nhiều gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải và chất thải ở nhiều bệnh viện.

Trong đó có thể kể tới một số thương vụ như: Gói thầu “Thi công xây lắp thiết bị xử lý nước thải, rác thải (05 cơ sở y tế: Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng; Bệnh viện huyện Tân Biên; Bệnh viện huyện Tân Châu; Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh)”, thuộc dự án: “Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế tại 9 cơ sở Y tế tỉnh Tây Ninh” (66,11 tỷ đồng); Gói thầu số 10 “Xây lắp + thiết bị xử lý nước thải (4 cơ sở y tế: Bệnh viện huyện Châu Thành, bệnh viện huyện Dương Minh Châu, bệnh viện huyện Hòa Thành, bệnh viện Y học cổ truyền)” thuộc Dự án: “Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế tại 9 cơ sở Y tế tỉnh Tây Ninh” (32,68 tỷ đồng); Gói thầu số 3 (Xây lắp + thiết bị): “Hệ thống xử lý chất thải y tế cho các Trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012- 2015” thuộc Dự án: “Đầu tư xây dựng Hệ thống xử lý chất thải y tế cho các Trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012- 2015” tại Đồng Nai (63,13 tỷ đồng).

Ngoài ra có thể kể tới các gói thầu XL01: “Xây dựng và lắp đặt thiết bị hệ thống xử lý nước thải và các công trình phụ trợ” thuộc dự án : “Hỗ trợ xử lý chất thải các bệnh viện khu vực Bệnh viện Bạch Mai”; Gói thầu số 04: “Thiết bị xử lý nước thải + Lò đốt rác”, công trình: “Hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn – Bệnh viện y dược cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai” (6,68 tỷ đồng); Gói thầu “Mua sắm thiết bị + Lắp đặt thiết bị”, thuộc dự án: “Nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Sơn La” (10,162 tỷ đồng).

Ngoài ra, tập đoàn của nữ viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn tham gia đầu tư vào một số dự án bất động sản như: Dự án Khu đô thị mới AIC Mê Linh và Dự án hỗn hợp Văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (AIC Xuân Đỉnh). Dù đã được giao đất từ nhiều năm nay, song các dự án này đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Dẫu vậy, dữ liệu của VietTimes cho thấy CTCP Bất động sản AIC vẫn phát sinh doanh thu. Như năm 2019, công ty này ghi nhận 25,9 tỷ đồng doanh thu thuần, báo lãi sau thuế 1,5 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản của CTCP Bất động sản AIC đạt 683,7 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với năm 2018./.


Riêng lẻ

Nhà đầu tư mới tại The Sun Tower, khu Ba Son huy động 3.750 tỉ đồng trái phiếu

Setra là đơn vị đã đặt cọc tại Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son (The Sun Tower) vào đầu tháng 7 vừa qua và sở hữu 18% trong liên doanh quản lí Tòa nhà Vietcombank số 5 Công Trường Mê Linh.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong hai ngày 31/7 và 1/8, CTCP Dịch vụ – Thương mại TP HCM (Setra) đã phát hành 31 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.750 tỉ đồng.

Các trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 31/7/2023. Thông tin về lãi suất, tài sản đảm bảo cũng như trái chủ không được tiết lộ.

Trước đó vào ngày 10/7/2020, Setra và Công ty TNHH Capitaland Tower đã kí Hợp đồng Thỏa thuận đặt cọc số 01/TTĐC/STR-CTC để nhận chuyển nhượng Công trình tòa nhà văn phòng, thương mại, dịch vụ Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son (6.042 m2). 

Dự án này còn có tên thương mại là The Sun Tower, được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 5281/QĐ-UBND ngày 6/10/2017.

Đến ngày 6/8, Setra đã thế chấp Hợp đồng thỏa thuận đặt cọc này tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Do vậy, nhiều khả năng đây là tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu nói trên.

Cùng ngày, Capitaland Tower cũng thế chấp Dự án The Sun Tower, bao gồm dự án được hình thành ở hiện tại hoặc trong tương lai tại Techcombank.

Sau đặt cọc Khu phức hợp Sài Gòn-Ba Son, Setra vay nợ 3.750 tỉ đồng - Ảnh 1.
Dự án thành phần thuộc Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Setra được thành lập từ năm 1999, từng có trụ sở chính tại số 18 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM. Đầu tháng 3/2014, công ty tăng vốn từ 1.000 tỉ đồng lên 1.900 tỉ đồng. Thời điểm này, ông Đinh Ngọc Tú là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Tháng 10 cùng năm, Setra có phát sinh hợp đồng thuê mặt bằng 1.700 m2 tại Tòa nhà Union Square (53 Lê Thánh Tôn – 171 Đồng Khởi – 6A Lê Lợi – 116 Nguyễn Huệ) với Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Tương Lai. Union Square là một trong những tòa nhà thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

VBB được thành lập vào ngày 7/2/2005. Tính đến 31/12/2019, liên doanh này có vốn điều lệ trên 410 tỉ đồng. Theo Báo cáo thường niên của Vietcombank, trong hai năm 2018 và 2019, lợi nhuận trước thuế của VBB lần lượt đạt 129 tỉ đồng và 146 tỉ đồng.

Ngoài ra, Setra còn góp mặt trong Công ty Liên doanh TNHH Vietcombank – Bonday – Bến Thành (VBB) với tỉ lệ vốn góp 18%. Số cổ phần còn lại thuộc sở hữu của Vietcombank (52%) và Bonday Investments Ltd. (Hong Kong, 30%).

Liên doanh này hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tòa nhà văn phòng cao cấp (hạng A) và đang quản lí Tòa nhà Vietcombank (số 5 Công Trường Mê Linh). Giữa năm 2016, Setra cũng dời trụ sở về tòa nhà Vietcombank.

Ngày 11/8 vừa rồi, công ty tiếp tục tăng vốn lên 2.000 tỉ đồng và ông Trần Văn Tuấn giữ vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Về phía Capitaland Tower, doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 4/4/2016 với vốn điều lệ 4,48 tỉ đồng (200.000 USD), có trụ sở tại Lầu 7, Tòa nhà Vista, 628 C Xa lộ Hà Nội, quận 2, TP HCM. 

Khi mới thành lập, Capitaland Tower thuộc quyền quản lí của CVH Cayman Holdings Limited, pháp nhân được thành lập vào cuối tháng 6/2008 và có trụ sở chính tại thiên đường thuế Cayman Islands.

Đến giữa tháng 9/2016, Capitaland Tower tăng vốn lên gần 1.609 tỉ đồng, tương đương hơn 72 triệu USD.

Tháng 2/2018, người đại diện ủy quyền toàn bộ phần vốn góp của nhà đầu tư ngoại được chuyển từ ông Chen Liang Pang (Singapore) sang ông Chiu Bing Keung Kenneth (Hong Kong, Trung Quốc), Thành viên ban quản trị của Alpha King. Không lâu sau đó, ông Chiu Bing Keung Kenneth là Chủ tịch Capitaland Tower.

Cuối tháng 2/2019, cổ đông của Capitaland Tower có nhiều sự thay đổi. Cụ thể, CLV Investment 6 Limited (trụ sở chính tại thiên đường thuế Cayman Islands) sở hữu 98% vốn, phần còn lại chia đều cho hai cổ đông Huỳnh Diệu Xương và Ngô Ngọc Hưng.

Không lâu sau đó, người đại diện theo pháp luật của Capitaland Tower do ông Ngô Văn An (gốc Hoa) phụ trách. Ông Ngô Văn An là nhân sự lãnh đạo bộ phận phát triển dự án thuộc công ty con Sunny World của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bên cạnh đó, ông Ngô Văn An đã từng hoặc đang là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật của 8 công ty có nguồn gốc từ Hong Kong gồm: Công ty TNHH BĐS Đức Khải 1; Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Tương lai; CTCP Đầu tư Mê Linh Square; CTCP Đức Khang; CTCP đầu tư Trade Wind; CTCP Đầu tư Golden Hill; Công ty TNHH Quản lý tài sản và Bất động sản Alpha King; CTCP Quản lý Phát triển Dự án Đông Sài Gòn.

Nhiều công ty do ông Ngô Văn An đại diện như Công ty TNHH Quản lý tài sản và Bất động sản Alpha King, CTCP Đầu tư Golden Hill đều có trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM ( Tòa nhà Vạn Thịnh Phát).


Riêng lẻ

‘Thế khó’ của nữ doanh nhân Hà Thành tại dự án Tre Nguồn Hà Tĩnh

Đồng hành cùng hệ sinh thái các khu du lịch mang thương hiệu ‘Tre Nguồn” từ những năm đầu thập niên, do vậy, việc một mắt xích thuộc nhóm này bị chững lại ắt hẳn sẽ khiến nữ doanh nhân đất Bắc – Nguyễn Thu Hương không khỏi bận lòng.
tre-nguon-5-1153

Dự án Khu du lịch Tre Nguồn Spa – Thiên Cầm được giao cho chủ đầu tư vào năm 2011, song đến nay dự án này vẫn chưa thể hoàn thành tiến độ.

Công ty TNHH Tre Nguồn ngày 15/7/2020 đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc xin điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn thời gian thực hiện dự án Khu du lịch Tre Nguồn Spa – Thiên Cầm.

Sau đó, đến ngày 22/7/2020, ông Đặng ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 4811/UBND-VX giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với các sở, nghành, đơn vị liên quan và UBND huyện Cẩm Xuyên kiểm tra, xem xét; báo cáo tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh trước ngày 30/7/2020.

Được biết, dự án này được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 9/5/2011. Đến ngày 22/12/2011, dự án được phê duyệt điều chỉnh mặt bằng tổng thể, với diện tích đất được tỉnh Hà Tĩnh cho thuê là 17.103,8m2, thời hạn cho thuê đến ngày 9/5/2060. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 100 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo dự án được phê duyệt, Công ty TNHH Tre Nguồn sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục chính, gồm khu khách sạn 11 tầng, 7 khối nhà bungalow 1 tầng, 7 khối nhà bungalow 2 tầng, khu ẩm thực 2 tầng, khu thể thao. Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng các hạng mục phụ trợ, như: đường nội bộ, khu nhà ở nhân viên phục vụ, trạm biến thế, khu xử lý nước thải, điện chiếu sáng, cây xanh, mặt cỏ, bãi đậu xe….

Đây là dự án hứa hẹn sẽ là đòn bẩy, kích cầu du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu du lịch biển Thiên Cầm, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Dẫu vậy, sau nhiều năm dự án này vẫn chưa thể hoàn thành tiến độ.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Tre Nguồn có trụ sở chính đặt tại khu đô thị Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thu Hương (SN 1970) trú tại phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Tuy nhiên vào cuối năm 2017, Sở KH&ĐT TP Hà Nội đã có thông báo về việc vi phạm của công ty này khi ngừng hoạt động 1 năm mà không có báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.

Công ty này còn có một chi nhánh tại Hà Tĩnh, Giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại đây là bà Vũ Thị Thu Hương (SN 1984). Bên cạnh đó, bà Hương còn là Giám đốc tại Công ty TNHH Tre nguồn Thanh Thủy. Công ty này thành lập vào tháng 10/2019 với vốn điều lệ ở mức 16 tỷ đồng, hai cổ đông sáng lập gồm Vũ Thị Thu Hương (35%) và Nguyễn Thu Hương (65%). Đây cũng chính là chủ của Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Tre Nguồn có diện tích 4.200 m2 thuộc xã La Phù, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra bà Vũ Thị Thu Hương cũng là đại diện pháp luật tại CTCP Thương mại Tam Cường.

Hệ sinh thái các công ty liên quan đến Tre Nguồn còn có Công ty TNHH Tre Nguồn Phú Thọ, Công ty TNHH Xây dựng Tre Việt Phú Thọ, Công ty TNHH Tre Việt Hà Nội.

Trong đó Tre Nguồn Phú Thọ được thành lập vào tháng 2/2016, trụ sở chính đặt tại thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Vốn điều lệ ban đầu của công ty này là 1 tỷ đồng, góp bởi bà Nguyễn Thu Hương (70%) và ông Nguyễn Văn Nam (30%). Tháng 5 vừa qua, công ty này tăng vốn lên mức 4,9 tỷ đồng, thành phần cổ đông lúc này gồm ông Hoàng Mạnh Hùng (15%) và Dương Thùy Vỹ (85%). Tại đây ông Hùng là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật.

Còn Công ty TNHH Xây dựng Tre Việt Phú Thọ thành lập vào tháng 6/2020, vốn điều lệ 1 tỷ đồng, giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Nam, còn ông Dương Thùy Vỹ là đại diện pháp luật tại Công ty TNHH Tre Việt Hà Nội (thành lập tháng 11/2002).

Ngoài ra, vào tháng 7/2017, hệ sinh thái “Tre Nguồn” còn xuất hiện thêm Công ty TNHH Tre Nguồn Thiên Cầm hoạt động trong lĩnh vực lưu trú ngắn ngày với vốn điều lệ đạt 8,68 tỷ đồng, cổ đông lớn gồm Nguyễn Văn Thành (30%) và Dương Văn Phượng (69,9%).


Riêng lẻ

Khu du lịch trăm tỷ của nữ doanh nhân Hà Thành ‘ôm’ đất vàng ven biển Hà Tĩnh thế nào?

Sau gần 9 năm kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, đến nay Dự án Khu du lịch Tre Nguồn Resort và Spa, phía Nam thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên vẫn chưa được hoàn thiện như cam kết và lộ rõ nhiều sai phạm.
tre nguon 5

Dự án Khu du lịch Tre Nguồn Resort và Spa có vị trí “vàng” tại Khu du lịch Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Dự án Khu du lịch Tre Nguồn Resort và Spa, phía Nam thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên (gọi tắt là dự án Tre Nguồn) được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 09/5/2011 (số 2812100096). Đến ngày 22/12/2011, dự án được phê duyệt điều chỉnh mặt bằng tổng thể, với diện tích đất được tỉnh Hà Tĩnh cho thuê là 17.103,8m2, thời hạn cho thuê đến ngày 09/5/2060.

Dự án do Công ty TNHH Tre Nguồn (Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư ban đầu dự kiến 100 tỷ đồng.

tre nguon 2

Mặt tiền chính dự án, chủ đầu tư đã cho đối tác khác thuê lại để kinh doanh nhà hàng ăn uống, giải khát.

Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động địa phương, tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Theo Quyết định UBND tỉnh phê duyệt, dự án sẽ được nhà đầu tư xây dựng các hạng mục gồm: khu khách sạn 11 tầng, 7 khối nhà bungalow 1 tầng, 7 khối nhà bungalow 2 tầng, khu ẩm thực 2 tầng, khu thể thao. Ngoài ra, còn xây dựng các hạng mục phụ trợ, như: đường nội bộ, khu nhà ở nhân viên phục vụ, trạm biến thế, khu xử lý nước thải, điện chiếu sáng, cây xanh, mặt cỏ, bãi đậu xe….

Thời hạn thực hiện dự án 49 năm kể từ ngày cấp giấy Chứng nhận đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ quý III/2011 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ quý IV/2012.

tre nguon 4

Nhiều hạng mục chính của dự án dẫu đã triển khai nhưng chưa hoàn thành.

Dự án được phê duyệt đầu tư “hứa hẹn” sẽ là đòn bẩy, kích cầu du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu du lịch biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cũng đã dành cho dự án này vị trí đắc địa bậc nhất tại Khu du lịch biển Thiên Cầm để nhà đầu tư thực hiện.

Thế nhưng, sau gần 9 năm trôi qua dự án không những không hoàn thành đúng như cam kết ban đầu mà còn lộ rõ hàng hoạt vi phạm được cơ quan chức năng điểm tên.

tre nguon 3

Dự án được “ưu ái” ở vị trí đắc địa tại Khu du lịch biển Thiên Cầm nhưng không đạt được mục tiêu cam kết ban đầu.

Theo đó, nhiều hạng mục chính của dự án dù đã triển khai nhưng mãi cũng chưa hoàn thành, như: khối nhà Bungalow quy hoạch 2 tầng, khu spa 1 tầng, khu nhà ẩm thực biển. Đặc biệt, tòa khách sạn 11 tầng và khu nhà ở cho nhân viên phục vụ chưa hề được triển khai xây dựng.

Đáng nói hơn, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, dự án Tre Nguồn đã vi phạm nhiều pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế…

Cụ thể, tại cuộc làm việc giữa chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và đại diện nhà đầu tư vào thời gian đầu tháng 8/2020 vừa qua đã chỉ ra vi phạm của công ty TNHH Tre Nguồn như: dự án chậm tiến độ hơn 7 năm 7 tháng; xây dựng hạng mục công trình không theo quy hoạch; chưa thực hiện việc nộp tiền thuê đất và tiền chậm nộp, số tiền là 3,067 tỉ đồng; nhà đầu tư không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư.

tre nguon 6

Khu đất xây khách sạn 11 tầng được sử dụng để làm sân bóng mini.

Trước sự việc trên, một lãnh đạo UBND huyện Cẩm Xuyên cho rằng, dự án trên nằm ở khu đất “vàng” ven biển giao cho nhà đầu tư không đủ năng lực là quá lãng phí nguồn tài nguyên. Cần chấm dứt dự án, tạo điều kiện cho nhà đầu tư khác.

tre nguon 1

Dự án không những chậm tiến độ mà còn lộ rõ nhiều vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế…

Ông Hoàng Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, đã có nhiều cuộc họp bàn về dự án Tre Nguồn, và phương án được đông đảo ý kiến đưa là là cần chấm dứt, thu hồi dự án để tạo điều kiện cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính khác.

Theo tìm hiểu Công ty TNHH Tre Nguồn có địa chỉ tại số 12A, ngõ 107, đường Vĩnh Hưng, Phường Vĩnh Hưng, Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thu Hương (SN 1970) trú tại phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Công ty Tre Nguồn chính thức hoạt động từ ngày 18/2/2005. Tuy nhiên, ngày 01/12/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội có thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh/ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Theo đó, Công ty TNHH Tre Nguồn ngừng hoạt động mà không thông báo với cơ quan đăng kí kinh doanh và cơ quan thuế.

Trở lại dự án Khu du lịch Tre Nguồn, mới đây, ngày 15/7/2020, Công ty công ty TNHH Tre Nguồn tiếp tục có Văn bản số 2011/CV-CT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc xin điều chỉnh Chủ trương đầu tư và gia hạn thời gian thực hiện dự án Khu du lịch Tre Nguồn Resort & Spa – Thiên Cầm.

Sau đó, ngày 22/7/2020, ông Đặng ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 4811/UBND-VX giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với các sở, nghành, đơn vị liên quan và UBND huyện Cẩm Xuyên kiểm tra, xem xét; báo cáo tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh trước ngày 30/7/2020.


Riêng lẻ

Ẩn số Cổng Mây trong thương vụ trái phiếu 200 tỷ đồng

Việc một doanh nghiệp có phần xa lạ với phần đông thị trường bất ngờ huy động thành công 200 tỷ đồng qua kênh trái phiếu khiến giới đầu tư không khỏi băn khoăn và đặt câu hỏi, Cổng Mây là ai?
20200820_072724

Tòa nhà số 187 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội, nơi Cổng Mây đặt trụ sở chính

Theo thông tin từ Sở GDCK Hà Nội, CTCP Cổng Mây ngày 3/8 vừa qua đã phát hành lô trái phiếu mã CMH2022001 có tổng giá trị 200 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm.

Có khá ít thông tin về thương vụ trên cũng như tổ chức phát hành được công bố, điều này khiến cho không ít nhà đầu tư tò mò và băn khoăn: Vậy, doanh nghiệp có phần xa lạ với thị trường – Cổng Mây là ai? Xuất xứ và cơ cấu sở hữu của công ty như thế nào?

Theo tìm hiểu, Cổng Mây là một pháp nhân có tuổi đời còn khá trẻ. Tiền thân của công ty này là CTCP Đầu tư và Phát triển Topone được thành lập vào tháng 6/2019, trụ sở chính đặt tại tòa nhà 187 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Dẫu vậy, ghi nhận vào sáng ngày 20/8/2020 cho thấy, tại tầng F3 của tòa nhà này không có công ty nào tên Cổng Mây, thậm chí, bảo vệ tại đây còn tỏ ra bất ngờ: “Tên nghe lạ vậy, ở đây không có đâu!”.

Cổng Mây hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn tổng hợp, nhân sự chủ chốt đều thuộc thế hệ 8X, trong đó Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Mạnh Hải (sinh năm 1982), còn Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Phạm Ngọc Anh (sinh năm 1985).

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu ở mức 2 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm CTCP Đầu tư APN (nắm giữ 33% vốn), Nguyễn Mạnh Hải (34%) và Nguyễn Mạnh Toàn (33%). Một năm sau ngày thành lập, Cổng Mây tăng vốn lên mức 100 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện tại. Trong đó, APN là công ty được thành lập vào tháng 6/2015, hoạt động chủ yếu trong mảng hoàn thiện công trình xây dựng, đại diện pháp luật cũng là bà Phạm Ngọc Anh.

Đầu tháng 7 vừa qua, Cổng Mây đã thành lập một công ty con với vốn điều lệ 300 tỷ đồng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty TNHH MTV Cổng Mây. Tuy nhiên trong ngày 3/8, cũng chính là ngày phát hành lô trái phiếu trên, Cổng Mây đã thế chấp toàn bộ số cổ phần này tại một công ty chứng khoán.

Ngoài Cổng Mây, ông Nguyễn Mạnh Hải và người có quan hệ đặc biệt (cùng địa chỉ thường trú) là bà Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1985) vào ngày 9/10/2017 đã cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển The EBank Việt Nam. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ tài chính với vốn điều lệ ở mức 10 tỷ đồng, trong đó ông Hải nắm giữ 95% vốn, số còn lại thuộc về bà Thuận. Tại đây, bà Nguyễn Thị Thuận là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Về phần mình, ông Nguyễn Mạnh Toàn là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Công ty TNHH MTV Tài chính Inter Bank Việt Nam (thành lập tháng 1/2018). Bên cạnh đó, ông Toàn còn đứng tên tại Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Việt Phát và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Mạnh Toàn, tuy nhiên cả hai công ty này lần lượt đã ngừng hoạt động và không hoạt động tại nơi đăng ký.


Riêng lẻ

Đại Dũng Corp – nhà thầu World Cup 2022 là ai?

Đại Dũng Corp dưới sự chèo lái của ông Trịnh Tiến Dũng đang ngày một lớn mạnh và ghi đậm dấu ấn trên thị trường quốc tế khi là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên cung cấp thiết bị thi công cho giải bóng đá lớn nhất thế giới – World Cup 2022.
9

 Hình ảnh tiến độ thi công kết cấu thép công trình sân vận động Lusail vừa được Đại Dũng Corp công bố. Nguồn ảnh: Đại Dũng Corp.

CTCP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (tên viết tắt Đại Dũng Corp) – doanh nghiệp trúng gói thầu thi công kết cấu thép cho 2 sân vận động Lusail và sân vận động Ras Abu vừa công bố hình ảnh tiến độ dự án.

Trong hai sân vận động này, sân vận động Lusail sẽ là nơi diễn ra trận khai mạc và chung kết World Cup 2022 với sức chứa hơn 80.000 khán giả. Sau World Cup, sân vận động này sẽ trở thành khu phức hợp trường học, bệnh viện, khu thể thao, thương mại… Điểm đặc biệt của sân Lusail là sẽ được xây dựng trên mặt nước và được làm mát bằng các tấm pin mặt trời.

Trước đó vào năm 2019, Đại Dũng Corp đã nhận được nhiều sự quan tâm khi là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trúng thầu dự án trị giá 80 triệu USD cho hai sân vận động Lusail và Ras Abu. Thời điểm ấy, chia sẻ với cơ quan truyền thông, ông Trịnh Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Đại Dũng Corp cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì đã đấu thầu thành công gói thầu này. Đây không chỉ là niềm tự hào vì sự lớn mạnh của doanh nghiệp, mà còn là niềm tự hào của thương hiệu Việt Nam đã được thị trường thế giới công nhận”.

Ngoài việc trúng gói thầu thiết bị kết cấu thép, tham gia làm sân vận động World Cup 2022, đến nay sản phẩm của công ty này đã xuất khẩu, phục vụ hơn 40 quốc gia trên thế giới. Các dự án trúng thầu phần lớn đều là các dự án trọng điểm xây dựng nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy nhiệt điện và nhà máy công nghiệp nặng như Phễu chứa Than tại Long Phú; Dự án nhà máy Jabil – Lay Việt Nam; Cao su Bình Dương – Casumina; Nhà máy nhiệt điện Foca; Sản xuất linh kiện máy tính Finecs; Nhà máy tuyển tro bay Hoàng Sơn; Nhà máy Nhiệt điện Takehara; Nhà máy Nhiệt điện Linkou và Talin (Đài Loan);…

Bên cạnh đó, công ty này còn vận hành cho thuê tòa nhà văn phòng tại 123 Bạch Đằng, phường 2, Quận Tân Bình, TP. HCM.

Trên trang chủ công ty này tự giới thiệu là tập đoàn kết cấu thép hàng đầu Việt Nam, gồm “8 nhà máy quy mô lớn trong đó có 6 xưởng chuyên sản xuất kết cấu thép, đội ngũ cán bộ công nhân viên lên đến 2.800 người”.

Theo tìm hiểu, Đại Dũng Corp có lịch sử hoạt động từ năm 1995, trụ sở đặt tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp này gắn liền với vai trò của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trịnh Tiến Dũng.

Tại ngày 25/12/2017, số vốn của Đại Dũng Corp đạt 669,68 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Công ty TNHH Nam Phát Long (68,75%), ông Trịnh Mạnh Hùng (7,86%), Nguyễn Thị Hồng Liên (4,54%) và Trịnh Tiến Dũng (12,6%). Qua 4 lần điều chỉnh tăng, số vốn của Đại Dũng đến ngày 18/12/2019 ở mức 1.086 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cổ đông lớn Nam Phát Long cũng là đơn vị thuộc hệ sinh thái của doanh nhân sinh năm 1969 Trịnh Tiến Dũng.

Công ty này ra đời vào tháng 12/2009, số vốn hiện tại ở mức 741,6 tỷ đồng, thuộc sở hữu của hai cá nhân Nguyễn Thị Hồng Liên và Trịnh Tiến Dũng với tỷ lệ lần lượt là 45,66% và 54,34%. Tại đây bà Hồng Liên là Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật.

Trước đó vào tháng 9/2007, Đại Dũng Corp cùng hai cá nhân trên còn góp vốn thành lập CTCP Kết cấu Thép Đại Dũng miền Trung. Tại ngày 21/10/2016, số vốn công ty này đạt 89,7 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông như sau: Đại Dũng Corp (99,99%), và Nguyễn Thị Hồng Liên; Trịnh Tiến Dũng mỗi người 0,002%.

Đến tháng 2/2016, nhóm này lại tiếp tục thành lập CTCP Cơ khí Đại Dũng VI (viết tắt DDC VI) hoạt động chính trong lĩnh vực gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại. DDC VI có số vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, cổ đông gồm: Đại Dũng Corp (40%), và Nguyễn Thị Hồng Liên (20%); Trịnh Tiến Dũng (40%).

4 tháng sau đó (tháng 6/2016), hệ sinh thái các doanh nghiệp của doanh nhân họ Trịnh xuất hiện thêm CTCP Vật liệu Xanh Đại Dũng (viết tắt DDG). DDG hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch không nung với số vốn điều lệ ban đầu là 40 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm: Nam Phát Long (11%), Đại Dũng Corp (49%), CTCP Thiết bị Công nghệ Thành Nguyên (30%) và Công ty TNHH Sản xuất Trung Hậu (10%). Tháng 1/2017, Công ty Trung Hậu thoái vốn khỏi DDG.

Đến ngày 24/10/2017, không rõ có phải do nhầm lẫn hay không, DDG bất ngờ tăng vốn khủng lên mức 63.000 tỷ đồng, chi tiết cổ đông không được đề cập, Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là Trịnh Nhiên (sinh năm 1968). Bên cạnh DDG, Trịnh Nhiên cũng là nhân tố quan trọng tại CTCP Phúc Thành Việt Nam quy mô vốn 60 tỷ đồng do ông Trịnh Đại (SN 1971) làm Tổng giám đốc.

Về phần mình, ông Trịnh Mạnh Hùng – cổ đông lớn của Đại Dũng Corp còn là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Công ty Bất động sản Mạnh Cường. Công ty này được thành lập vào tháng 7/2017 với số vốn điều lệ đạt 30 tỷ đồng, cổ đông gồm Trịnh Mạnh Cường (30%) và Trịnh Mạnh Hùng (70%). Ông Hùng cũng là Giám đốc CTCP Kinh doanh thiết bị Công Nghiệp (quy mô vốn 32 tỷ đồng).

(Theo Tạp chí Nhà Đầu Tư)