Thông tin tổng hợp

Riêng lẻ

Giữa buổi chiều có hai con đại bàng gãy cánh

Hai người đàn ông, đúng hơn là hai con đại bàng của điện ảnh phương Nam sau giải phóng có hai tính cách gần như trái ngược nhau, tựa nước và lửa. Từ đó mà số phận của họ cũng khác nhau. Dù là nước hay lửa thì hai con đại bàng ấy cũng gặp nhau ở buổi xế chiều hay nói đúng hơn là cùng hứng chung bi kịch: túng quẫn. Song, cách đối mặt với thử thách của cả hai lại rất khác và không thể nói, điều đó không cho biết họ là ai.

Nhắc đến Thương Tín, hiếm ai biết ông khởi đầu sự nghiệp bằng bộ môn cải lương mà nghĩ ngay đến hàng loạt vai kép chính, kép độc tại đoàn kịch Kim Cương. Nhưng để đẩy cái tên Thương Tín thành một thương hiệu lớn thì phải nhờ vào những vai “bất hảo” trong những cái rạp chiếu bóng mà bây giờ chả khác mấy với nhà kho.  Như vai thiếu tá ác ôn Lưu Kỳ Vọng trong Ván bài lật ngửa hay đường nét hơn là tướng cướp Bạch Hải Đường trong SBC.

Sở hữu một gương mặt nhuốm màu sương gió cùng đôi mắt lạnh, gần như gian và kỹ năng diễn xuất có thể xếp vào hàng hảo hạn, Thương Tín từng trở thành thần tượng (như một kiểu chuẩn man) của những gã trai lơ. Những nữ sinh ngày ấy dường như chỉ có hai người đàn ông, ngoài ông Hồ, họ yêu Thương Tín. Họ ép ảnh Thương Tín trong những cuốn tập để khi có chút thời gian là lôi ra ngắm và mơ mộng. Và người ta đồn rằng thời ấy, không hiếm những người đàn bà bị ruồng bỏ bởi đang nằm bên cạnh chồng mà cứ gào lên:  Thương Tín.

Tuy nhiên, Thương Tín không chỉ được biết đến bằng những hình ảnh như thế. Ngoài những thứ như vừa kể, người ta còn biết đến Thương Tín như một tay sát gái hay ít nhất là đa tình. Tệ hơn, anh còn là một con bạc say sưa như một sự nghiệp thứ 2 của anh, ngoài điện ảnh. Năm 2007, Thương Tín bị bắt vì tổ chức đánh bạc. Những mảng tối của Thương Tín từ đó mà bị lột trần, phơi sáng. Từ một tài tử nằm lòng công chúng, Thương Tín trở thành kiểu mẫu của đàn ông ăn chơi trác táng, sa đọa. Là biểu tượng của lối sống bản năng, buông thả và vô nghĩa. Thương Tín sạch tiền khi ở tuổi xế chiều, gá nghĩa với một người đàn bà và đẻ thêm một cậu con trai ở tuổi 58. Và giờ là lúc mà Thương Tín vừa bắt tay kiến tạo lại đời mình.

Khác hẳn với hình ảnh sa đà, trác táng của Thương Tín là (Nguyễn) Chánh Tín – một kép đẹp, tài danh chả kém với Thương Tín nếu chả muốn nói có phần bóng bẩy hơn với vai diễn để đời là Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa. Với vẻ ngoài bệ vệ, sang trọng và lịch lãm người ta nhìn thấy Chánh Tín như mẫu mực của kiểu đàn ông thành đạt hay đúng hơn là đại diện chuẩn xác của tầng lớp trí thức thượng lưu. Và Chánh Tín cũng chỉn chu, mực thước trong gần hết cuộc đời của mình hay ít ra không bao giờ có chuyện ông bị bắt tại trận trong một vụ ăn chơi nào đó như Thương Tín. Nhắc đến Chánh Tín, người ta không chỉ nhớ ông là một tài tử điện ảnh, một nghệ sĩ ưu tú mà còn là giám đốc của hãng phim này, phó chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng nọ và dòng họ thuộc hàng trâm anh thế phiệt.

Thế nhưng, dù trác táng, bệ rạc như Thương Tín hay trịnh trọng, điềm đạm và…ý tứ như Chánh Tín thì cuối cùng cả hai cũng rơi vào vòng xoáy tương tự nhau ở khúc cuối cuộc đời.  Nếu Thương Tín phải vào tù ra tội, nợ nần vì bài bạc thì Chánh Tín bị đẩy ra khỏi nhà vì canh bạc kinh doanh.

Song, hoạn nạn như nhau nhưng thái độ với cuộc đời khác hẳn. Dù kiêu bạc, bất cần nhưng Thương Tín nhìn cuộc đời rất nhẹ nhàng, hồn hậu và nhận hết sai lầm về mình hay ít nhất, ông chả nhiếc mắng ai và càng không có chuyện đề nghị ai đó phải gánh thay trách nhiệm cho mình. Chánh Tín thì khác, vốn quý tộc nên hết phàn nàn, chê trách bên ngoài (ăn cắp bản quyền phim của ông hay lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ông) lại kêu ca bên trong.  Nào vì cháu làm ông mất nhà nào diễn viên vô ơn, bạc bẽo. Và kể cả lúc hoạn nạn nhất thì Chánh Tín cũng rất…tỉnh hay ít nhất là chẳng quên đọc số tài khoản của mình cho cánh nhà báo – vốn được cho là những con lợn thời hậu hiện đại.

Ừ nhỉ! Phải trong cơn hoạn nạn ta mới nhận ra nhau. Nhìn người này cứ tưởng ăn mày nhưng hóa ra lại là người kia, kẻ vốn vẫn được bao bọc trong lớp áo vàng son kiêu hãnh ấy! Thực ra, cũng chả ai nỡ trách kẻ sa cơ và chỉ những kẻ có vấn đề về thần kinh thì mới chịu khó sĩ diện khi nhỡ vận. Song, cái mất ở đây không phải ở sĩ diện mà là lòng tự trọng.

Mới thấy, cái bản năng mà hồn hậu giữa đời này mới là thứ quý giá chứ vàng (son) giả (dối) cũng chả để làm gì.

Bình luận về bài viết này