Thông tin tổng hợp

Riêng lẻ

Mình sống bao nhiêu % cuộc đời với họ?

 Khải Đơn

365050.TIF

Lần đó, mẹ kể tôi nghe rằng mẹ nhớ bà lắm.

Mấy năm về trước, ông bà ngoại sống gần nhà tôi. Tôi không thân với họ nhiều. Nhưng tôi nhớ những ngày đến nhà ông bà chơi, nằm ngủ trên lầu, nghe gió trở mình ở ban công và nhìn những cây sen đá ông trồng. Có buổi chiều, ông và bà nắm tay nhau đi dạo, họ ra khỏi cửa, và tôi từ tầng 1 nhìn xuống.

Lâu sau này, ông bà không ở gần nhà tôi nữa. Thỉnh thoảng mẹ lại về Cần Thơ thăm.

Có những đêm tôi ngồi trò chuyện với mẹ, mẹ nói bà không nhớ gì nữa, mẹ nói bà không muốn ra ngoài nữa, mẹ kể bà nằm yên trên giường. Và có một lần, mẹ nói rằng: “Ông bà lúc nào cũng đi tập thể dục với nhau, nắm tay nhau, họ nắm tay nhau 60 năm rồi đấy!”

Lúc ấy, tôi nhớ lại cảnh từ ban công mà mình đã nhìn thấy. Họ yêu nhau từ khi còn rất trẻ, sinh ra 5 đứa con, trải qua đủ mọi chuyện, và ông vẫn luôn nắm tay bà mỗi khi đi siêu thị, đi tập thể dục. Khi bà không nhớ gì nữa, mỗi sáng, ông vẫn nắm tay dắt bà đi tập thể dục.

Tôi không hiểu một người con khi lớn lên rồi, với đời sống của riêng mình, sẽ có bao nhiêu % thời gian ở cạnh bố mẹ mình. Với mẹ tôi, khoảng 2 tháng mẹ lại xuống Cần Thơ một lần, và mỗi lần mẹ thấy bà yếu hơn. Khi bà nhắm mắt, mẹ ngồi ôm cho ông khóc. Vậy là một cuộc tình đã lìa xa nhau, sau 60 năm nắm tay.

Khi đi trong ngày tiễn bà, tôi cơ hồ vẫn nhớ năm ấy ông bà nắm tay tôi, dắt qua vòng xoay để đi Big C. Bà mua những thức ăn mắc tiền, ngon và kĩ lưỡng từng thành phần dinh dưỡng để nấu cho ông. Bà có thói quen nấu cơm nhão, không phải vì  bà yếu không ăn được, mà vì ông đau bao tử mấy chục năm, bà học ăn cơm nhão để chăm sóc cho bao tử ông không đau trở lại. Ăn cơm nhão với nhau từng ấy năm, họ khiến con cái và cháu khi về hơi khó chịu lúc ăn uống, nhưng bao tử ông hết đau và chúng tôi khi trở về nhà nhớ rằng  “bà nấu cơm nhão lắm”. Bà chăm ông chi tiết như một người tình, các cuốn tạp chí luôn được lau sạch dù đã cũ, vì ông thích đọc lại các bài cũ. Bánh luôn có trong tủ lạnh vì ông thích ăn vặt. Mì luôn nấu mềm vì ông không chịu được vật cứng khi ăn. Thức ăn nấu nhạt vì bác sĩ dặn ông không được ăn mặn. Một thói quen có vẻ kì dị khiến cả thế giới khó chịu nhưng lại là tín hiệu của tình yêu suốt mấy chục năm như thế.

Rồi cứ nghĩ đến chuyện ông bà yêu nhau, tôi lại nghĩ đến mẹ tôi và những đứa con của ông bà. Họ phải lớn lên, đi ra thế giới và chăm sóc những đứa con cái họ. Họ trở về vào một dịp nào đó, chắc là 20% của cuộc sống họ. Vậy là, cuối cùng trong cuộc đời, con cái cũng không ở bên cha mẹ vĩnh viễn, chỉ có hai người yêu nhau ở bên nhau, gần như 100% cuộc đời.

Vài tuần trước, vì việc bận, tôi không về nhà. Tôi nghe mẹ điện thoại. Mẹ chỉ hỏi “có về nhà không? Mẹ đi mua thịt gà!” – Rồi cái nghe giọng tiu nghỉu khi bảo con bận rồi. Zậy thôi. Hôm về nhà, tôi thấy mẹ đeo kính đọc sách mà có vẻ hơi cúi xuống thấp quá, hỏi ra mới biết mắt dạo này mờ hơn, chắc phải đi kiểm tra mắt.

old 1

À, cha mẹ ta có thể già nhanh đến thế. Chắc cũng giống như những ngày mẹ kể tôi nghe về bà, về khi bà quên mọi chuyện, rồi khi ông ngồi khóc lúc tiễn bà đi, tôi cũng đang thấy rằng mình đi ngang qua cuộc đời nhanh không thể tưởng.

Mẹ đứng nấu ăn cho tôi. Mẹ luôn là một người chỉ biết nấu ít món, nhưng đó là những món ngon lành và chú ý đến sức khỏe của tôi – người có căn bệnh mập. Chắc mẹ giống bà ngoại, nấu ăn dựa trên căn bệnh và sức khỏe của người mình yêu thương. Hôm ấy, tôi đứng trong bếp, và nhớ như in năm lớp 9, tôi nằm trong giường ngủ, tự dưng khóc ngon lành khi nghĩ ra một chuyện kinh khủng: “Mai mốt mình lớn lên rồi mẹ sẽ đi đâu?” – Chuyện kinh khủng đó đã làm tôi khóc trong nhiều đêm liên tiếp, dù tôi không dám đi hỏi ai  về điều đó.

Ông bà tôi đã sống gần 100% cuộc đời bên nhau, cho đến khi bà đi xa vội vã quá. Còn tôi, ở đây với mẹ, không biết là bao nhiêu %….

Bình luận về bài viết này